Nhỏ Huyền về sớm hơn tôi nghĩ. Con nhỏ tất bật đẩy cửa phòng, mồ hôi còn rịn lấm tấm trên gương mặt. Nhìn tôi, nhỏ nhoẻn miệng cười, chìa ra mấy viên thuốc:
– Em mua cho anh trước rồi mới đi ăn. Anh uống đi không mệt.
Thiệt tình cuộc đời tôi cái gì cũng biết hết trơn, trừ mắc cỡ, nhưng lúc này mặt mũi tôi cũng đỏ nhừ. Tính xạo con nhỏ chút xíu để có thời gian đùa nghịch với con nhỏ kia, ai dè nhỏ cuống lên chạy đi mua thiệt, cơm cũng bỏ chưa có kịp ăn. Con nhỏ thấy mặt tôi đỏ lựng, lo lắng áp tay lên trán:
– Ủa anh Long sốt hả? Sao mới hồi nãy còn khỏe re mà. Chắc anh bị cảm rồi đó. Em chạy đi mua dầu cho anh xức ha?
Mặt tôi có dày cỡ Vạn Lý Trường Thành cũng không thể để con nhỏ làm vậy tiếp được. Hoảng hốt nắm tay con nhỏ kéo lại, thấy con nhỏ khẽ rụt tay ra khỏi tay mình ngượng nghịu, tôi gãi đầu gãi tai cười trừ:
– Tại anh buồn mấy việc nên nhức đầu chút xíu mà. Em khỏi lo đi. Để anh đi mua đồ về tụi mình ăn ha. Anh cũng đói bụng quá rồi nè.
Không để con nhỏ kịp từ chối, tôi chạy ra khỏi cửa lẹ như vận động viên điền kinh. Không hợp với style người bệnh lắm, nhưng đối diện với con nhỏ hồi nữa chắc tôi biến thành thổ dân da đỏ quá. Thiệt tình điều tôi ngại nhất không gì khác là lừa mấy nhỏ ngây thơ hiền lành cỡ vậy, còn riêng với tụi quỷ cái thì khác à nha.
Bưng 2 suất cơm đầy tú hụ về phòng, tôi đưa nhỏ một hộp, hộp còn lại mở ra ăn ngon lành. Lao động quá sức mất nhiều năng lượng dữ dội chớ bộ! Con nhỏ ngó tôi ăn chằm chặp, la:
– Anh bệnh mà sao ăn dữ vậy anh Long?
Sao không lo ăn đi dòm tôi hoài chi vậy? Tôi lúng búng nuốt miếng cơm trong miệng, gật gù:
– Chắc tại thuốc em mua tốt, anh uống vô thấy đỡ liền.
Con nhỏ chúm chím cười. Không hiểu tại nó biết tôi xạo hay nó cười vì sung sướng, tưởng thuốc nó mua công hiệu thiệt. Nếu vì lý do thứ 2, cái công ty thuốc con nhỏ vừa mua hoàn toàn có thể tranh giải Nobel y học đó nha.
Tầm chiều trời lại lất phất mưa. Tôi ghét mưa kì lạ, mà hầu như dân công sở ai cũng vậy hết trơn. Đâu có ai khoái trá gì cái vụ đi lếch thếch dưới mưa, lát về quần áo ướt nhẹp, xe cộ dơ hầy. Tôi đứng ngoài hành lang nhả khói mù mịt, ngó lên trời chán ngán. Lát tan tầm chắc kiếm đại cái taxi về quá, xe bỏ lại công ty luôn mai kêu mặt mụn chở đi làm. Trời mưa buồn bã, khách hàng cũng mải làm tình hay sao đó mà nguyên buổi chiều không ai gọi điện càm ràm hết trơn. Thiệt tình thời tiết như vầy chỉ chui trong chăn với ghệ là ngon lành nhất, hèn chi tụi tôi có một bữa rảnh thấy ớn.
Tan sở mưa còn dữ dội hơn, ào ào như trút. Con nhỏ Huyền đứng tần ngần kế tôi, than:
– Mưa lớn quá, sao về giờ anh?
Tôi tặc lưỡi:
– Không có sao đâu em. Chắc tới tối nó tạnh liền.
Con nhỏ nguýt tôi rát rạt:
– Vậy còn em trai em bộ bắt nó nhịn đói hả?
Tính kêu thứ quỷ đó lo gì nó đói, nó đói bụng nó tự khắc đi ăn cướp liền, nhưng ngó ánh mắt trìu mến của con nhỏ khi nhắc về đứa em trai, tôi nín thinh luôn. Thiệt tình với kiểu đàn bà ngó thấy con mèo con bị bỏ ngoài đường cũng ráng nhặt về nuôi, dù lo cho bản thân mình còn cực thì chẳng có lý do gì để ghét bỏ đứa em trai ruột thịt. Dù thằng quỷ ấy trâng tráo không thua gì tôi thời trai trẻ.
Đợi hoài không thấy ngớt, con nhỏ coi bộ sốt ruột dữ. Đi đi lại lại mấy vòng, nhỏ quyết định cái rụp:
– Anh cho em mượn cái áo mưa, em chạy qua đường mua tạm cái dù. Tối rồi, thằng nhỏ đâu biết nấu nướng gì đâu, chắc giờ nó đói dữ lắm rồi đó.
Tôi á khẩu. Bộ em nó mới học lớp 2 hay lớp 3 hả? Thanh niên 18 tuổi còn không biết đường đi cua gái để gái nó nấu ăn cho, thứ gì cũng trông chờ chị là sao? Mà con nhỏ cũng ngộ thiệt, mưa như trút nước vầy cầm cái dù khác gì đội mũ, tránh sao nổi ướt. Tính cản nó mà ngó gương mặt nó, tôi biết cản không nổi. Thở dài xuôi xị kêu:
– Đợi anh xíu nha, anh gọi taxi đưa em về.
Mắt con nhỏ trợn ngược:
– Anh có biết từ đây về nhà em bao xa không mà kêu taxi? Anh không có được lãng phí vậy, em không đồng ý đâu nha.
Tôi đưa bộ mặt đưa đám ra, đau khổ nói:
– Không có, anh có thằng bạn làm taxi dù.
Lủi ra xa móc điện thoại gọi cho mặt mụn. Con quỷ coi bộ đang ngái ngủ, ngáp một cái thật dài, lè nhè:
– Chuyện gì vậy đại ca? Em đang ở nhà đại ca đó, không có đi đâu đâu mà kiểm tra.
Kiểm cái đầu mày ấy. Tao rảnh dữ vậy sao. Thì thào vô trong máy:
– Lấy xe qua đón tao. Nhớ kêu mày làm taxi dù nha thằng mặt mụn. Nhớ đó.
Mặc xác thằng quỷ nhảy dựng lên vì mất nét, tôi cúp máy cái rụp. Thứ nó làm gì có nét mà mất.
15 phút sau, con xe mới kính coong của thằng quỷ đỗ cái xịch ngay vỉa hè. Nó hạ kiếng ngó nghiêng kiếm tôi. Thiệt tình thằng này ngu hết chỗ nói, kêu lái taxi dù mà bày đặt đeo kiếng Ray Ban, đầu vuốt gel mới ác ôn. Lầm bầm chửi thề mấy tiếng, rồi cũng đành lôi con nhỏ đang nghệt mặt vô trong cái xe bóng lộn. Con nhỏ kinh ngạc cũng phải. Nhỏ tới lớn tôi chưa thấy thằng cha lái taxi dù nào chạy Mer E hết trơn.
Bước vô xe đã thấy thằng quỷ ngồi chễm chệ, quần áo hàng hiệu, dầu thơm xực nức. Tui cũng muốn đi làm taxi dù giống nó quá. Làm mặt dày lôi con nhỏ vô, chỉ nó kêu:
– Bạn anh đó. Nó trước lái taxi dù, giờ đi lái xe cho giám đốc doanh nghiệp.
Thằng quỷ coi bộ ủy khuất, dù được nâng mức từ taxi dù lên tài xế riêng cho giám đốc cũng coi bộ chưa cam lòng. Dân chơi Hà Nội mà bị xuống cấp dữ vậy trước mặt gái, nó chưa khóc tôi còn mừng đó. Con nhỏ coi bộ không quen với cái nội thất sang trọng trong xe, rón rén ngồi xuống ghế như sợ cái thảm lót bị đau, lí nhí:
– Em cảm ơn anh nha. Phiền anh ghê.
Quỷ mặt mụn ngó thấy gái bao nhiêu mặc cảm bay mất tiêu, nở một nụ cười nham nhở:
– Anh phải cảm ơn em mới đúng. Mấy khi có cô gái đẹp như em ngồi vào xe của anh đâu.
Cái mõm đang tía lia chuẩn bị phun châu nhả ngọc, ngó thấy cái ánh mắt giết người của tôi, nó đau khổ rồ ga lượn đi, miệng lẩm bẩm:
– Nói có tí xíu bày đặt dòm thấy ớn!
Hẻm nhà con nhỏ có chút xíu, xe không vô được tận nhà. Tôi lấy cây dù trong xe mặt mụn, đưa con nhỏ vô trong. Cũng hên mưa ngớt dần, hai đứa chạy mấy bước là vô tới hiên nhà. Con nhỏ ngó nghiêng một hồi, kêu:
– Chắc thằng nhỏ đói quá chạy đi ăn rồi. Thôi anh về đi ha, muộn rồi. Em cảm ơn anh và bạn anh nha.
Tôi gật gật đầu, mỉm cười với con nhỏ một cái, quày quả bước ra xe. Mưa lại ào ào đổ.
Mặt mụn coi bộ tự ái à nha. Bị sai xể vầy, nét dân chơi của nó bị tổn thương nghiêm trọng. Đưa tôi về nhà xong, nó làm cái mặt buồn bã đánh xe thẳng về nhà nó. Tôi mặc kệ. Mai không lon ton qua chỗ tôi liền, tôi bé bằng con kiến.
Còn đang nằm vểnh râu đợi cơm tối, nghe chuông điện thoại đổ dồn. Không lẽ thằng quỷ đói bụng tính xin lỗi rồi qua ăn ké đây ta? Tôi thủng thẳng móc điện thoại, hơi ngạc nhiên vì số trên máy lại là của nhỏ Huyền. Một cái cảm giác bất an kì lạ. Vừa áp tai vô, tim tôi như bị ai bóp nghẹt. Con nhỏ đang khóc nấc từng hồi vô máy, nói không thành tiếng:
– Anh… anh … qua em được không?
Tôi đâm hoảng, hỏi dồn từng chặp:
– Có chuyện gì nói anh nghe coi Huyền. Em nói đi chứ!
Chỉ nghe con nhỏ nức nở hoài, không nói thêm được gì nữa. Lòng tôi như có lửa đốt, vớ chìa khóa lao thẳng ra con xe ga cao ngỏng. Con Max ghẻ tôi vất ở công ty mất tiêu, nhưng tầm này còn bụng dạ nào quan tâm tới mấy chuyện lẻ tẻ nữa.
Tôi rú ga đi như điên trong mưa. Cũng hên đường vắng, tôi chạy bạt mạng nhưng cũng chẳng tông ai. Nước mưa bắn vô mặt rát rạt, tôi cũng mặc kệ. Thiệt tình tôi cũng không hiểu sao mình trở nên khùng đột ngột dữ vậy, nhưng khi nghe tiếng khóc của con nhỏ, trong tôi như có một thứ bản năng chở che, bảo vệ trỗi dậy. Con nhỏ hiền quá, thiện lương quá và tôi không cho phép ai, cho phép thứ gì làm tổn thương nó cả.
Hẻm nhà con nhỏ tối sầm. Ánh đèn pha loang loáng chiếu rõ từng hạt mưa rơi, dừng lại phía bậu cửa phòng trọ con nhỏ ở. Tôi không kịp tắt máy luôn, lao thẳng vào trong nhà. Con nhỏ đang ngồi co ro trong nệm, cái vai nhỏ xíu rung lên nức nở. Tôi thở phào. Ít ra thì lúc này con nhỏ cũng được an toàn. Tôi lại gần nó, vỗ vỗ lên đôi vai đang run rẩy, nhỏ giọng:
– Anh nè Huyền.
Con nhỏ đột ngột nhào vô lòng, gục đầu lên vai tôi khóc ngon lành, mặc cho bộ quần áo tôi bận trên người ướt sũng. Nước mắt chảy xuống vai áo tôi nghe nóng hổi. Tôi nghe lòng mềm nhũn, đưa tay ôm lấy lưng con nhỏ vỗ về:
– Được rồi, có chuyện gì nói anh nghe coi em. Không khóc nữa, khóc không có giải quyết được gì hết đâu em.
Con nhỏ phải ráng lắm mới nín được, ngẩng mặt lên nhìn tôi. Ánh mắt nó lúc này là của một con nai nhỏ vừa sập bẫy nhìn người thợ săn, vừa van nài khẩn khoản vừa tội nghiệp tới nao lòng. Chỉ một cái nhìn đó của con nhỏ, tôi hiểu dù có là việc gì đi chăng nữa, tôi cũng phải ráng làm cho bằng được.
– Em trai em … bị công an bắt rồi anh. Họ đưa thằng nhỏ đi từ chiều, giờ em không biết nó ở đâu nữa.
Tôi giật mình. Sao làm gì bị bắt lẹ quá trời lẹ vậy. Ngó cái tướng thằng nhóc ác bữa trước có buột miệng kêu không đi trường cũng đi trại sớm, ai dè linh nghiệm thật luôn. Có điều ngó cái gương mặt sũng nước mắt của con nhỏ, tôi cũng thấy lòng nặng trĩu. “Tao vì chị mày, không vì mày nha thằng nhóc ác” – nghiến răng lầm bầm trong bụng vậy rồi quay qua con nhỏ, nhẹ giọng hỏi:
– Làm sao mà bị bắt, em có biết không?
Con nhỏ lại ôm mặt, nức nở thêm một chặp:
– Nghe mấy cô hàng xóm nói có hỏi công an, họ nói là nó tham gia đánh lộn đó anh. Thằng nhỏ hiền khô mà, làm gì có ba cái chuyện đó.
Tôi thở dài. Từ sau anh không có bao giờ nghe đánh giá của em về con người nữa đâu nghen Huyền, em đánh giá trật thấy thương luôn. Cũng ráng gật gù tỏ vẻ đồng tình, an ủi con nhỏ:
– Ba cái tội đó không có nặng lắm đâu em. Quan trọng nó đánh người ta bị thương ra làm sao, nhà kia nó có làm căng hay không nữa em à.
Tôi không có học luật, nhưng trường trại dạy tui cũng kha khá mấy món này. Con nhỏ coi bộ được những lời nói của tôi an ủi, ánh mắt tội nghiệp bừng lên một tia hy vọng, hỏi dồn:
– Anh nói thiệt không anh? Anh đừng có xạo em nha.
Tôi nhìn sâu vô mắt nó, thở dài. Trước cái ánh nhìn của con nhỏ, cả đời tôi sẽ không xạo nó điều gì được.
– Anh không có xạo em đâu. Anh tới đây để giúp em mà. Chuyện của em cũng là chuyện của anh, không phải lo lắng vậy.
Con nhỏ có thêm người bên cạnh cũng đỡ nhiều. Nhỏ ngước cặp mắt sưng mọng lên nhìn tôi cầu khẩn:
– Anh đưa em qua chỗ thằng nhỏ được không anh? Nó còn chưa có được ăn chút gì nè.
Lại thở dài thêm lần nữa. Thiệt tình đúng là đàn bà mà. Lúc nào cũng lo lắng những cái nhỏ xíu xiu, cái lớn thì không thèm lo. Tôi kêu con nhỏ:
– Ra xe đi em, anh đưa em đi.
Nhỏ líu ríu chạy theo tôi. Với mấy người chưa khi nào va chạm với pháp luật, lại đang quýnh quáng vì lo lắng, nội chuyện biết đứa em bị nhốt ở đâu cũng là cả một chuyện khó khăn. Nhưng với tôi thì dễ ẹt. Tôi vô phường, vô quận, đi thăm nuôi đám bạn quá trời luôn nên tôi rành một cây. Loại như thằng nhóc bị bắt thì 9 phần có đám công an phường đi theo, bắt xong đưa qua phường lấy lời khai hoặc đưa thẳng lên quận, nhốt vô tạm giữ. Thời hạn tạm giữ tầm 2-3 ngày, cũng là thời gian quan trọng bậc nhất để đánh chìm án hoặc lo lót để ra. Tới khi ăn cái lệnh tạm giam, coi như khó nhằn hơn gấp bội.
Chở con nhỏ lên phường, phường chỉ lên quận. Tôi biết mà. Con nhỏ gục đầu vô vai tôi khóc hoài, chắc lo cho thằng nhóc vô trong đó không biết ra sao. Tôi tính an ủi con nhỏ yên tâm đi nó không bị đói đâu, vô trỏng chắc cũng no đòn rồi nhưng nói vậy chắc con nhỏ khóc trôi luôn cả tôi lẫn xe luôn quá. Thiệt ra cái nhà tạm giữ của quận có xi nhê gì đâu, vô đó sống vẫn khỏe re, nhất là thằng nhóc ác nhìn mặt cũng đâu có hiền lành gì cho cam. Xe dừng trước cửa quận, tôi bắt đầu thấy hơi lo lắng. Cái vụ đi lại với công an, tôi cũng đâu có rành. Tiền có thể có, nhưng không biết cách lo lót chỉ làm mập cho mấy thằng chả, không được tích sự gì hết trơn hết trọi. Thở dài nhưng cũng chưa biết làm sao, tôi cứ thong thả dắt xe đại vào trong. Con nhỏ vừa nức nở khóc, vừa ráng líu ríu bước theo.
Tầm này đã 7 giờ hơn, trên quận cũng vắng tanh, chỉ còn vài mạng công an ngồi trực. Tôi ngó nghiêng một hồi, tới cửa phòng trực, chào rõ to. Cha nội cá vàng ngồi vểnh râu, coi bộ quen với vụ người nhà đám tù tội tới năn nỉ, cái mặt câng câng nhìn thấy ghét:
– Hết giờ làm việc rồi, có chuyện gì mai tới đi.
Hết cái đầu mày. Bác Hồ bảo chưa hết là chưa hết, cãi hả? Tôi dúi tờ 500 ngàn vô tay thằng chả, nhũn nhặn:
– Thằng em nó quậy quá, anh làm ơn giúp gia đình một chút nghen.
Thằng chả hắng giọng, chỉnh lại tư thế ngồi. Chính xác là tư thế của người chiến sỹ công an vì dân phục vụ rồi đó nha:
– Đám nhóc giờ nó vậy đó, tội nghiệp anh chị, mưa gió vầy còn phải lặn lội đi. Nói tên nó ra coi, tôi kiếm dùm cho.
Muốn đá vô mỏ thằng chả quá đỗi nhưng kìm lại kịp thời, nếu không chắc tôi cũng vô trỏng nằm với thằng nhóc ác lắm. Con nhỏ mừng quýnh, đọc cái tên thằng em. Cha nội chiến sỹ gương mẫu nhấc điện thoại gọi một hồi, chỉ một cái phòng xa tít còn đang sáng đèn, nhỏ giọng kêu:
– Anh lên phòng kia làm việc đi. Mấy cha điều tra vụ nó đang còn ở đó đó.
Tụi điều tra là tụi ngon lành nhất trong các loại. Tụi hình sự lo bắt, tụi tòa lo xử, còn tụi này lo lấy lời khai và ăn đút lót của gia đình người mắc tội. Án nặng, án nhẹ, xử huề hay gì gì đó là do đám này hết trơn hết trọi. Tôi gật gật đầu cảm ơn thằng chả một tiếng, kéo con nhỏ đi vô phía cái phòng còn sáng đèn. Dừng trước cửa phòng, tôi kêu con nhỏ đợi một chút, chạy ra một góc, bấm số lão già dịch:
– Anh hả? Qua em có chút chuyện được không? Em kêu thằng mặt mụn qua đón anh nha. Chuyện như vầy nè ….
Mỗi thằng cha du đãng cộm cán đều là một luật sư thứ thiệt. Không nói chuyện hiểu luật đâu nha, sức mấy lão chắc chỉ thuộc vài điều nằm trong bộ luật đánh người và luật trường trại. Cái giống luật sư tôi đề cập ở đây là … khả năng chạy chọt. Du đãng nào là không có đàn em vướng tội, du đãng nào không qua lại với đám công an? Quỷ già cũng tính là du đãng cỡ bự, đám công an ăn tiền của lão có khi còn đông hơn đám đàn em không chừng.
Tôi dắt con nhỏ đang cúi gằm mặt bước vô. Mấy thằng chả coi bộ đang làm việc thiệt, cắm cúi vào đống giấy tờ. Một gã trông khá thư sinh, đeo cặp kính trắng ngó tụi tôi, giọng ôn tồn:
– Có chuyện gì không hai em?
Thứ này khó đối phó à nha. Thứ hung hăng bọ xít như thằng cha ngoài cửa mới là dạng dễ bảo, loại thơn thớt nói cười này mới khiến người ta không biết đường nào mà lần hết trơn. Tôi cũng nhũn nhặn chào hỏi vài câu khách sáo, kéo luôn thằng chả qua một góc nói chuyện tâm sự cho dễ. Nghe tôi trình bày xong, thằng chả gật gù, khoát khoát tay:
– Thì ra là thằng nhóc này. Tội nó là đi theo đám du dãng thôi chớ không có gì hết trơn.
Nói xong dừng lại một chút. Lại mánh mung nữa. Tôi bấm tay con nhỏ, ý chừng kêu nó đừng có mừng quá sớm. Công an mà có thứ tốt vầy đất nước ta đã tiến lên giàu mạnh ngang Mỹ, Nhật rồi đó cưng. Y như rằng, thằng chả lại thủng thẳng:
– Có điều, đám nó làm bậy quá. Thằng nhóc nhà em lại tham gia nhiệt tình nhất, bởi vậy cũng khó cho tụi anh lắm. Nó chưa có tiền án tiền sự, nhân thân lại tốt, giá mà chưa có thương tích chắc cũng chỉ phạt hành chính là xong. Nhưng mà…
Nhưng cái đầu cha mầy. Ba cái vụ oánh lộn này tôi cũng có tham gia nhiều, tôi biết chớ bộ. Nguyên đám uýnh một thằng, chúa mới biết thằng nào gây ra lủng đầu, thằng nào gây ra bầm mắt. Bộ tụi công an này có đứng kế đó coi hay sao mà nó rành dữ vậy. Đến chính đám nhỏ trong cơn say máu cũng không nhớ mình táng vô đâu, lấy gì ra để biết đứa nào nhiệt tình, đứa nào không? Án bao nhiêu năm là đều từ ngòi cây viết của tụi điều tra này hết. Tôi nhỏ giọng:
– Việc này tụi em biết, bởi vậy nên mới tới sớm như vầy. Lát có ông anh qua sẽ nói chuyện cụ thể với mấy anh, giờ tụi em muốn gặp thằng nhỏ một chút cho yên tâm, được không anh?
Thằng chả chưa kịp chối từ, tay tôi đã lẹ như chớp nắm lấy tay chả khẩn khoản. Chỉ nghe hắng giọng một cái, tay thằng chả rụt về đút vô túi lẹ không kém tôi, giọng miễn cưỡng:
– Cái này là linh động lắm đó nha em. Lát đi theo anh, đằng nào anh cũng có mấy việc cần hỏi thêm thằng nhỏ cho rõ. Nghe nói nó còn đang ôn thi đại học, anh cũng muốn cứu nó chứ bộ…
Tôi cũng chán, chẳng thèm chửi thằng chả làm gì cho nó mệt người. Dắt theo con nhỏ như đang mộng du đi theo, nghe tay con nhỏ ôm lấy tay tôi chặt cứng. Thở dài. Tôi tình nguyện làm chỗ dựa cho con nhỏ, chẳng cần thứ điều kiện gì hết trơn. Chỉ cần nó không khi nào phải khóc…
Thằng nhỏ lếch thếch đi ra, mắt ngó thấy con chị sáng ngời. Cái mặt trâng tráo khi nào bỗng méo xẹo, nước mắt chảy dài dài. Tôi ngồi một góc, trầm ngâm hút thuốc, ngó 2 chị em con nhỏ ôm nhau khóc nức nở. Con nhỏ hết xoa mặt lại ngó thằng nhóc ác, khóc hết nước mắt. Tôi ngó mà sốt ruột, chạy ra gỡ tay con nhỏ, lạnh lùng nhìn thằng nhóc:
– Ăn gì chưa?
Thằng nhóc nhìn tôi, nhưng ánh mắt không còn lấc láo như bữa đầu. Nó lí nhí:
– Dạ chưa.
Tôi móc ví, cầm tiền đưa cho con nhỏ:
– Em chạy ra ngoài mua cho nó ít đồ ăn, mấy thứ đồ khô mang về phòng nữa. Không mua mấy đồ hộp nha, không được đem vô đâu.
Thằng cha công an ngó tôi, ánh mắt tán thưởng. Chắc nghi tôi mới nằm trại về quá, mấy vụ tắc tế rành một cây. Đợi con nhỏ đi khuất, tôi thủng thẳng ngồi xuống, ngó vô mặt thằng nhóc, gằn giọng:
– Mày thấy mày làm khổ chị mày thế nào chưa thằng nhóc? Con nhỏ khóc ngất từ chiều mày có biết không? Mưa gió như vầy nó cũng ráng chạy về nhà để lo cơm nước cho mày, mày biết không? Tao mà không tới dám nó kiếm mày, lo cho mày tới nổi khùng luôn, mày biết không thằng nhóc ác?
Ngó cái mặt tôi hằm hằm, chính khí ngập tràn, thằng nhóc mặt mũi tái xanh, mãi mới lắp bắp được một tiếng:
– Em biết lỗi rồi mà anh hai. Anh ráng lo cho bả dùm em nha.
Nói xong nước mắt lại chảy vòng quanh. Tôi gật gù, thằng nhỏ này cũng chưa phải loại hết xài. Ít ra còn biết lo cho con chị, chưa tính việc không kêu tôi bằng anh già mà đổi qua anh hai, vậy tôi cứu nó cũng không có uổng. Nhưng cứu nó khơi khơi như vậy nó đâu có biết sợ. Tôi lạnh lùng gật gật đầu:
– Việc chị mày, mày không phải lo. Ráng vô trỏng tu tỉnh đi, mai mốt ra ngoài đừng có quậy phá nữa nghe chưa?
Thằng nhóc ác nghe lời tôi nói như vớ được phao cứu sinh, mắt sáng ngời:
– Bao lâu nữa em ra được hả anh?
Tôi thủng thẳng:
– Mày mới có 18 tuổi, còn trẻ lắm. Dăm năm sau ra cũng vẫn cưới vợ được mà.
Thằng nhóc té cái rầm. Tôi hoan hỉ cười thầm trong bụng. Phải cho mày hết hồn một phen, mai mốt ra ngoài mày mới thấy quý cảnh tự do mà không làm bậy.
– Khóc cái gì? Đàn ông dám làm thì dám chịu. Mày tính khóc lóc để chị mày lo lắng thêm hả?
Thằng quỷ khờ có vẻ dễ bị khích tướng à nha. Môi nó mím lại, coi bộ quyết tâm sống kiếp trường trại luôn:
– Được rồi, em không để bả lo nữa. Anh ráng coi bả dùm em nha.
Tôi gật gù, không nói thêm gì nữa. Con nhỏ quày quả xách bịch đồ bước vô, cái tướng tội nghiệp hết sức luôn. Phía sau con nhỏ cũng có thêm một cái bóng nữa, nhưng nhìn dễ ghét hết sức luôn. Chân hai hàng, loắt choắt, mặt mũi câng câng – lão quỷ già chứ không ai khác.
Công an ngó cái tướng lão coi bộ cũng giật mình một cái. Lão ngó thấy cha nội này, cười giả lả chạy tới, tay khoác luôn lên cổ:
– Tưởng ai hóa ra là đồng chí à?
Lão vào Đảng hồi nào mà xưng đồng chí ngọt xớt vậy ta?. Thấy công an cũng luống cuống, cố nở ra một nụ cười nhưng trông mặt không có vẻ gì quen lão hết trơn hết trọi. Mặt lão vẫn tỉnh bơ, mồm tía lia:
– Bọn nhóc con ấy mà, chúng nó đánh nhau cho khỏe chân khỏe tay, chưa chết người thì cũng có chuyện quái gì đâu, đồng chí nhỉ? Anh em mình ra ngoài tâm sự một chút, tôi cứ vào mấy chỗ dính dáng tới pháp luật lại thấy khó thở quá.
Không để đồng chí công an kịp từ chối, lão lôi cổ công an kéo phắt ra ngoài. Tôi ngó theo, thấy già dịch đang hăng say chém gió, tay vung lia lịa. Đồng chí công an cũng gật đầu theo muốn sái cổ. Phục lão già thiệt à nha. Chém gió tới mức công an cũng hoa cả mắt.
Ngó lại thằng nhóc, thấy mặt ráng làm ra vẻ tỉnh bơ, nuốt cơm ngon lành. Con nhỏ ngồi kế, nhìn thằng em ăn cơm mà nước mắt cứ chảy dài. Tôi thấy tội nghiệp con nhỏ quá đỗi, đi lại gần lấy tay áo quệt nước mắt cho con nhỏ. Thằng em ngước mắt lên nhìn, ánh mắt cảm kích thấy rõ. Tính kêu con nhỏ khỏi khóc lóc đi, chắc lão già tới làm việc với đám công an là xong chuyện, nhưng sự tình ra sao tôi còn chưa nắm chắc, cũng đành thở dài, chờ đợi.
Mặt mụn cũng ló ló cái đầu ngó vào trong. Thằng quỷ này khoái nghe chuyện trường trại tù tội, bữa nay chắc lần đầu tiên vô công an nên coi bộ hưng phấn dữ lắm. Cho mày vào ở vài bữa cho khỏi tò mò luôn nha con – tôi lầm bầm, đi ra chỗ thằng quỷ.
– Mang tiền theo không, mặt trận?
Mặt nó lộ vẻ ngơ ngác, kêu:
– Đại ca bảo em không mang theo tiền mà. Em cũng hứa không có cầm tiền, vừa hôm trước xong.
Muốn thò chân đá nó lộn mèo vài vòng quá xá. Thứ người đâu mà … nghe lời tôi dữ dội vậy trời. Đang kiếm từ tính xỉ vả nó tơi bời, thằng quỷ cười nhe:
– Em đùa ấy mà. Tiền em để trong xe, cần không em chạy ra lấy?
Ngó nó mà cười hết nổi. Thằng này thiệt tình biết đùa đó nha, có duyên thấy ớn.
Thiệt tình, cái đám công an này cũng có thể tính vào loại du đãng – du đãng có nhà nước bảo kê. Tất nhiên trong số đó không phải ai cũng đều là du đãng, vẫn có những thành phần công an tốt thật sự, có điều kiếm ra họ giữa lúc nhúc đám du đãng quần áo vàng khè này khó ngang với việc kiếm tê giác ở vườn quốc gia Cát Tiên. Du đãng chỉ có gặp du đãng bự hơn mới làm việc nổi. Ba cái thứ văn vở, mánh lới của cha nội này lão già dịch chắc học thuộc lòng từ khi mới chập chững bước vô giang hồ. Đối với lưu manh tép riu, tụi công an này đâu có ngán, nhưng riêng đối phó với đám du đãng tuổi tù nhiều ngang với tuổi đời, họ cũng muốn né thật xa. Đám đó tính ra cũng thuộc dạng … đồng nghiệp của công an chứ đâu phải giỡn.
Ngó lão già dịch hết cười lại vỗ vai, lúc trầm ngâm, khi lạnh lùng, tôi thương cha nội công an quá đỗi. Nhưng nếu không phải lão già dịch có mặt ở chỗ này, người đáng thương sẽ chính là tôi và con nhỏ. Đám công an điều tra này cái lưỡi không có xương, đối với tù phạm có bao nhiêu tội nó lôi ra bằng hết, thậm chí cả những việc họ … không có làm luôn. Đối với gia đình người phạm tội muốn chạy chọt, nếu không biết đường lối, không có người nắm được lưỡi đám này, cứ coi như mới đi vay nặng lãi của giang hồ đi, trả hoài không thấy hết.
Quay lại nhìn, thấy thằng nhóc đã bị đám trông tù đưa về phòng từ khi nào, con nhỏ ngồi đó thẫn thờ như người mất hồn, khóc không nổi nữa. Mặt con nhỏ mệt mỏi vô cùng, cặp mắt sưng mọng ngó trân trân vô cánh cổng sắt có đứa em trai ở trỏng. Tôi thở dài, móc túi ra điếu thuốc, trầm ngâm hút. Nghe già dịch vẫy tay, tôi đi lại gần. Chuyện của lão với cha nội công an coi bộ đã đi tới hồi kết.
– Cũng được, vậy coi như quyết định vậy đi ha em. Đám bên kia anh sẽ có cách thương lượng, chỉ cần không đâm đơn coi như xong. Mình người lớn với nhau, nói một tiếng một được rồi, lằng nhằng chi cho mất thời gian ha em?
Lão già kín đáo giơ 3 ngón tay về phía tôi. Hiểu ý liền. Quay qua thằng mặt mụn, tôi cũng giơ 3 ngón tay về phía nó. Ngó cái mặt thằng quỷ chưng hửng nhìn thấy ghét, tôi làm biếng không nổi, bực dọc chạy ra la:
– Ra xe lấy 30 triệu đi, thằng thiếu i ốt!
Thằng quỷ bị chê thiếu i ốt, buồn bã lê bước về xe. Thiệt tình ngoài tôi cũng không có ai xúc phạm tới cái nhân phẩm vừa đi trại phục hồi của nó được cỡ vậy. Tôi gói đại mớ tiền vô túi nilon, nhét vô tay anh công an mặt đang đau khổ. Phen này coi bộ ảnh cũng phải ăn ít hơn thường lệ một cơ số đó nha.
Tiền của giang hồ là thứ tiền khó nuốt nhất trên đời. Thứ nó nuốt vô cái thứ nhất coi chừng nghẹn, cái thứ hai là coi chừng vô trong bụng còn làm lủng bao tử không chừng. Cha nội công an cầm mớ tiền mặt mặt coi bộ cũng đăm chiêu như nhà hiền triết. Nhưng đã cầm rồi, muốn trả lại cũng không có dễ à nha.
Già dịch ngó con nhỏ một cái, lại ngó qua tôi đầy ẩn ý. Lão vẫy tôi ra bên cạnh, hạ giọng:
– Phải con nhỏ bữa trước mày trốn nó ở quán rượu không?
Quỷ già có bộ não hay thiệt đó nha. Gặp qua qua vậy lão nhớ dai thấy ớn. Tôi gật gật đầu. Lão khịt mũi:
– Bộ lương tâm chó gặm của mày bị con nhỏ này thức tỉnh hả? Sao sốt sắng quá vậy?
Quê à nha. Giúp được người ta chút xíu mà bày đặt lên mặt xúc phạm tới nhân phẩm quá chừng. Ngó mặt tôi hậm hực, lão làm mặt tỉnh, kêu:
– Cái vụ nhỏ xíu này mai mốt mày tự làm, làm vài lần quen liền, nghe chưa? Cứ coi đám công an này giống tụi bảo kê đi, mày trả giá tùy thích chớ không phải ngại ngùng cái mẹ gì hết.
Mặt mụn đứng kế nghe như nuốt từng lời. Tôi ngó nó mà thấy ngán ngẩm. Thứ này có cái tật thích học đòi, thấy lão già dịch thi triển chiêu người trong giang hồ tới nói chuyện ngang phân với công an, chắc trong đầu đang tưởng tượng có ngày mình cũng vỗ vai bá cổ đám du đãng khoác áo nhà nước lắm.
Lại nghe lão già kêu:
– Cái vụ kêu nhà nó không đâm đơn, mày làm nổi không?
Chưng hửng luôn nha. Cái vụ đó so với vụ trả giá với đám công an coi bộ còn khó ăn hơn nhiều. Nếu đứa bị đánh là giang hồ, việc coi bộ còn dễ dàng hơn chút xíu. Thứ giang hồ tép riu điều đình bằng tiền xem chừng không phải khó. Nhưng nếu lỡ thằng bị đánh thuộc dạng con nhà tử tế, ba má thương yêu coi như tiền không có tác dụng. Mấy người đang xót con, sức mấy mà cầm tiền bỏ đơn cho đứa đánh con mình chèm bẹp. Nói không chừng họ còn đâm tiền vô mấy đám điều tra cho nó bóc lịch dài dài. Ngoài 2 loại đó, còn một loại khác: giang hồ cỡ bự. Loại này khỏi mất công điều đình chi, họ cũng chẳng buồn đâm đơn mà kiếm bạn xử luôn cho lẹ. Thứ như lão già này chẳng hạn. Đụng tới lão thì ráng làm một cú cho lão chết luôn, còn lão không chết kể như đời bạn hỏng. Chính bởi điều này nên đứa nào muốn rớ vô lão cũng phải chuẩn bị trước 2 thứ: lá gan dám giết người và cái bảnh lãnh chấp nhận để người đuổi giết. Đơn giản vậy thôi.
Tôi tần ngần một lát rồi cũng quả quyết gật đầu. Dù sao thì thằng nhóc này chắc cũng đụng với đám giang hồ tép riu là cùng. Đám này xỉa tiền ra coi như cũng xong chuyện. Lão già thấy tôi gật đầu, ánh mắt lộ ra vẻ tán thưởng:
– Coi như mày cũng không tệ. Thôi đưa con nhỏ về đi, để tao kiếm mấy thằng buôn nước bọt tới đám đó là được.
Thiệt tình bực bội à nha. Tới cái giờ này còn bày đặt thử lòng thử dạ, muốn đập lão ngất xỉu ghê. Nhưng tôi biết nếu tôi năn nỉ lão đi dùm chứ không gật đầu, lão chẳng ngại ngần gì ngoảnh đít đi thẳng để tôi tự lo phần còn lại. Tính nết lão già vậy, mà lừa lão không xong nổi đó nha. Làm bộ gật đại đi, lão ngó qua cặp mắt của bạn nắm được tẩy liền, nắm xong còn đập bạn chèm bẹp không chừng vì cái tội xạo ke.
Buôn nước bọt là một nghề trong vô số nghề của giang hồ. Đám này chia ra nhiều đẳng cấp, nhiều thể loại, nhưng cái chung là không cần có lá gan. Chúng không tham gia vô mấy vụ đâm chém, thanh toán lẫn nhau, việc của chúng chỉ cần dùng đầu và cái miệng. Cao cấp nhất trong đám này, một trong những huyền thoại của giới buôn nước bọt là Thuyết “chăn voi”. Có báo chí gọi lão là Thuyết trăm voi, ý chừng cạnh khóe lão nổ tưng bừng như cái câu “Trăm voi không được bát nước sáo”. Tầm bậy hết sức, gọi lão là Thuyết “chăn voi” bởi cái đầu và cái miệng của lão thuộc dạng thiên hạ vô địch thủ, quan hệ của lão trong cả du đãng và chính quyền không ai qua mặt nổi. Cỡ như ông Năm sa cơ còn phải dựa vô lão để mà chạy án, chỉ một chi tiết đó thôi đủ biết cái giá thật sự của lão cao tới cỡ nào.
Còn chuyện lão nhận án 2 chục năm tù, tiền bạc danh tiếng mất hết nhưng em diễn viên có gương mặt như đức mẹ đồng trinh vẫn đều đặn thăm nuôi, nhất quyết không bỏ lão cho tới khi lão xé sổ thăm nuôi của cô – cái đó là bảo chứng bằng vàng cho cái miệng thần sầu quỷ khốc trên đời hiếm gặp. Tất nhiên, loại như lão đó cao cao tại thượng, đâu phải ai cũng có thể mở miệng nhờ vả. Đám kém tên tuổi sẽ lo những vụ nhỏ nhặt hơn: chạy án với công an, hòa giải mấy vụ đánh lộn, hoặc đơn giản hơn là điều đình với đám con nợ và chủ nợ. Cái loại vụ việc như của thằng nhóc con này, tùy tiện kêu một gã buôn nước bọt nho nhỏ tới cũng có thể làm xong chuyện. Nhất là khi thằng cha này có cái biển số của lão Ngọc cấp cho, làm việc cũng dễ dàng hơn rất rất nhiều.
Con nhỏ ngó lão, vừa biết ơn vừa sợ sệt. Thiệt tình ngó cái bản mặt lão, ai chưa quen biết mà dám dòm thẳng vô cũng có thể tính là người can đảm chớ bộ. Lão cũng không để ý, lùi ra một chỗ gọi điện thoại. Tôi nắm tay con nhỏ, lắc lắc:
– Xong chuyện rồi, về đi em. Lát có gì ảnh gọi điện lại báo cho mình.
Con nhỏ im re bước theo tôi, đi qua lão lí nhí chào nhỏ xíu. Lão gật gật đầu, ánh mắt lại liếc qua tôi một cái đầy nham hiểm. Bậy à nha. Sao thứ người gì đâu tối ngày nghĩ ẩu tả về em út vậy trời.
Con nhỏ leo lên xe, ngồi xuôi xị đằng sau. Coi bộ giờ nó mới hoàn hồn, bắt đầu cắc cớ:
– Ủa anh mượn xe của ai mà sang dữ vậy?
Tầm này tôi cũng chẳng còn bụng dạ gì xạo con nhỏ, thở dài:
– Xe của anh đó.
Con nhỏ không nói thêm gì, coi bộ đang suy nghĩ dữ lắm. Tôi chở nhỏ đi một vòng, kiếm quán ăn khuya. Con nhỏ cả ngày còn chưa ăn gì vô bụng, tôi cũng vậy. Nhưng có tôi là ăn ngon lành, con nhỏ ngồi gắp vài gắp, cái mặt lại buồn thiu. Tôi cũng chẳng ép con nhỏ. Tâm trạng nó vầy giờ ăn làm sao vô. Tôi đưa con nhỏ về nhà. Xe dừng trước cửa, con nhỏ tần ngần một hồi lâu, xem chừng muốn nói với tôi điều gì đó nhưng không mở miệng nổi. Tôi vỗ vỗ vai con nhỏ, kêu:
– Thôi được rồi, em đi vô đi kẻo lạnh. Muộn rồi có sương đó.
Con nhỏ dạ một tiếng nhỏ xíu, quay mặt đi vô trong nhà. Tôi nổ máy xe, quay đầu lại. Đường về khuya vắng tanh vắng ngắt, lạnh căm căm. Tôi đi qua một cửa tiệm còn sáng đèn, thấy bày vài cái bánh bao đang bốc khói nghi ngút, lại lo con nhỏ ăn có chút xíu đêm đói bụng. Tôi dừng xe, ghé lại mua vài cái bỏ vô bọc nilon, quay đầu xe chạy về hướng nhà con nhỏ.
Tôi gõ cửa. Con nhỏ hớt hải chạy ra. Ngó thấy tôi, gương mặt con nhỏ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ. Tôi tháo bọc bánh bao trên xe đưa qua con nhỏ, dịu dàng:
– Hồi nãy em ăn có chút xíu, anh sợ em đói bụng nên mua thêm. Lát hồi ăn đi nha.
Mắt con nhỏ lại ướt nhòe. Người đâu mà mau nước mắt quá trời luôn. Nhỏ đỡ bọc bánh ở tay tôi, tay kia bám lấy đầu xe, giọng nghẹt lại:
– Liệu thằng nhỏ có ra được không anh?
Tôi chưa khi nào thiếu tin tưởng vào khả năng của lão già dịch hết, trừ khả năng cai nghiện thành công của lão. Ngó gương mặt lo lắng của con nhỏ, tôi nói chắc nịch:
– Em tin anh cỡ nào thì anh cũng tin ổng cỡ vậy đó.
Mắt con nhỏ sáng lên một tia hy vọng, miệng nở một nụ cười hiếm hoi kể từ khi thằng nhóc em bị bắt. Bỗng trên trời còn có một tia sáng chói lọi gấp ngàn lần ánh mắt của con nhỏ – không phải UFO đâu nha – sét đó mấy cha. Sét đánh cái rầm vô trúng cột thu lôi cái nhà cao ngỏng đầu hẻm, tôi và con nhỏ đều giật mình. Nhỏ hốt hoảng la:
– Anh xuống xe lẹ đi coi chừng sét đó.
Chưng hửng ngó con nhỏ. Bộ nó nghĩ tui là người xấu xa dữ dội hay sao mà bị sét đánh hả trời? Nói vậy, dù bản thân tôi biết mình là người tốt tới hoàn hảo luôn, nhưng tui cũng nhát chết một cây. Lỡ nó uýnh lầm coi bộ cũng không được tốt đẹp gì mấy à nha. Tấp luôn xe vô nhà con nhỏ, nghe gió mang hơi nước thổi từng trận ào ào. Sao mưa đúng lúc vậy nè trời!
Tôi bước chân vô nhà, mưa đổ xuống ào ào như thác. Không khí bỗng chốc lạnh căm, phảng phất một thứ mùi ẩm mốc của mưa. Nhà con nhỏ có chút xíu, tôi phải lựa dữ lắm mới dựng cái xe kềnh càng của mình được vô một góc. Con nhỏ ngó ra ngoài cửa sổ, lo lắng:
– Sao mưa lớn dữ vậy trời?
Tôi nghe rùng mình, hắt xì liền mấy cái. Hồi tối nghe con nhỏ gọi điện, tôi phóng xe đi như điên trong mưa hoài, chắc bị lạnh mà bệnh luôn rồi. Mắt con nhỏ lại hướng về tôi, ngập tràn sự quan tâm. Nhưng trong cái giây phút đó, tôi bàng hoàng nhận ra rằng: ánh mắt quan tâm lo lắng đó của nhỏ không chỉ dành cho riêng tôi, mà còn cho cả thằng nhóc ác, cho cả con mèo con nhỏ xíu bị bỏ lại ven đường và có lẽ còn cả với những cảnh đời thương tâm nhỏ gặp. Nó không phải đến từ sự rung động từ con tim, mà đơn giản hơn và cao quý hơn, nó xuất phát từ một tấm lòng rất đẹp.
Tôi húng hắng ho. Con nhỏ đưa tay vỗ về vô lưng tôi, dịu dàng:
– Anh ở lại nhà em đi ha. Anh bệnh rồi đó anh Long. Tội nghiệp anh ghê, tại em làm phiền anh cả…
Tôi không phải người tốt. Tôi biết vậy. Câu nói đó của con nhỏ có thể khiến một thằng đàn ông bị down cũng nhịn không nổi mà suy nghĩ tầm bậy tầm bạ, đừng nói tới tôi. Tôi là một thằng đàn ông sống bằng bản năng, khát khao tình dục và khát khao chiếm đoạt – đó là thứ bản năng gốc không thể chối bỏ của những sinh vật có chim. Nhưng trước con nhỏ này, tôi chỉ muốn đứng xa, thật xa để mà quan tâm, bảo vệ nhỏ khỏi mọi tổn thương, đau đớn, ngoài ra chẳng còn điều gì khác…
Tôi gật đầu, giọng khản đặc:
– Mọi bữa anh khỏe dữ lắm sao hôm nay đổ bệnh kì cục, mất nét ghê.
Con nhỏ không chắc có hiểu mất nét là gì không, nhưng cũng ráng nở một nụ cười. Nhỏ lục trong tủ đồ, lấy ra mấy thứ đồ của thằng nhóc, kêu tôi:
– Anh vô trong nhà tắm thay đồ đi. Áo quần anh ướt hết trơn rồi nè.
Tôi cầm bộ đồ đi vô phòng tắm, điện cúp cái rụp. Bóng tối phủ đen thui, không gian im bặt đi trong khoảnh khắc. Nghe con nhỏ luống cuống la:
– Anh đừng có đi lại nha, đợi em thắp cây đèn.
Khu nhà nhỏ coi bộ hay bị cúp điện dữ. Nhỏ hí hoáy thắp cây đèn dầu, ánh sáng vàng vọt chiếu lên le lói ở góc tường. Tôi chậm chạp cởi đồ. Thằng nhóc ác này tướng nhỏ xíu, trong khi body của tôi bự và đẹp như tượng thần La Mã, mặc sao mà vừa đây trời? Ráng lắm mới xỏ chân vô được cái quần cộc của thằng nhỏ, thiệt tình nhìn cái quần cộc trên người tôi hổng khác gì cái quần bơi. Còn cái áo của thằng nhỏ tôi chịu thua, ráng mặc vô chắc nó đứt chỉ mà bung ra quá. Thở dài kêu con nhỏ:
– Em coi còn cái áo nào lớn hơn chút không Huyền? Áo này anh bận không nổi, nhỏ xíu hà.
Con nhỏ lại lụi cụi mở tủ đồ ra kiếm. Cũng hên, còn một cái áo ba lỗ khá rộng rãi của thằng nhóc, tôi bận vô cũng thấy vừa. Mặc bộ đồ nửa quần bơi, nửa body 3 lỗ, tôi sượng sùng khi thấy mình giống như đang chuẩn bị đi tắm biển vậy. Cũng hên, con nhỏ cận thị, hơn nữa ánh đèn vàng leo lét của ngọn đèn dầu chắc cũng cản trở tầm nhìn của nhỏ khá nhiều. Tôi bước ra ngoài. Cái nệm của thằng nhỏ nằm đã được con nhỏ phủi sạch sẽ, trải ga mền phẳng phiu. Ngó thấy tôi ra, nhỏ kêu:
– Anh nằm tạm đây nha anh. Ráng ngủ đi một chút cho đỡ mệt.
Tôi gật gật đầu. Trước giờ tôi kị nhất ngủ chỗ lạ, mỗi lần tới đâu không phải nhà mình, đa phần đêm đó rất khó ngủ. Đêm nay cũng vậy. Nghe người hầm hập sốt, cái đầu nhức thấy ớn, ngoài trời tiếng mưa đập vô mái tôn giống như có nguyên dàn trống trên đầu. Tôi gác tay lên trán, ráng nhắm mắt lại mà ngủ không có nổi. Phía cái nệm bên kia, nhỏ nằm co ro vô một góc, cái dáng điệu làm tôi thấy thương hết sức. Con nhỏ nằm ngủ giống như một đứa trẻ sơ sinh vậy, cuộn tròn, rúc đầu vô cánh tay. Cái lưng nhỏ xíu phập phồng nhè nhẹ. Chắc nhỏ mệt mỏi lắm rồi. Cũng phải. Bao nhiêu thứ chuyện xảy ra dồn dập bữa nay, nhỏ cũng phải ráng chịu đựng tới hết sức rồi.
Ông trời coi bộ chưa chịu cho con nhỏ có một giấc ngủ ngon lành. Mưa cứ ào ào đổ như xả lũ, sấm sét đánh ầm ầm. Con nhỏ coi bộ đang ngủ say sưa, bị thứ gì đó làm cho choàng tỉnh. Thấy nhỏ hết sờ lên lưng lại ngó lên trần nhà, loay hoay chạy vô nhà tắm lấy chiếc thau nhỏ để vô chính giữa giường. Mái nhà bị dột. Tiếng nước chảy vô cái thau nhựa từng hồi tong tong. Nhỏ ráng uốn người để nằm vô, nhưng cái nệm nhỏ xíu bị cái thau choán mất ngay chính giữa, khiến con nhỏ phải nằm tựa lưng vô bức tường, nghiêng người qua một bên. Mái tóc nhỏ đổ dài, gương mặt mệt mỏi và cam chịu. Tôi ngồi dậy, thở dài:
– Huyền qua đây nằm đi em, anh ngủ không có nổi.
Nhỏ giật mình mở mắt, bối rối nhìn tôi:
– Không được đâu, em nằm vậy được rồi mà.
Tính tôi ngang bướng thấy ớn. Hễ ai không chịu tôi phải làm người đó chịu bằng được mới thôi. Tôi ngó con nhỏ, giọng lạnh te:
– Giờ em không qua, anh mặc đồ đi về liền.
Cái giọng quả quyết của tôi làm con nhỏ sợ. Nước mắt nhỏ lại ươn ướt trên mi. Tần ngần một lúc, nhỏ xách theo chiếc gối, líu ríu qua bên nệm của tôi. Không lẽ nhỏ tưởng tôi bắt nhỏ qua ngủ cùng sao vậy trời? Tôi ngồi thu lu một góc, nhường mảnh đệm cho nhỏ, nhẹ giọng kêu:
– Huyền ngủ đi ha. Anh ngồi hút thuốc một chút. Lạ nhà anh ngủ đâu có nổi.
Con nhỏ ngước mắt nhìn tôi, bộ dạng như muốn nói điều gì đó nhưng tôi chẳng để cho nhỏ kịp mở lời. Kéo nhỏ xuống, lấy cái gối kê vô đầu nhỏ, phủ cái mền mỏng đắp lên người. Con nhỏ mắt nhìn tôi vừa cảm kích, vừa có một thứ gì đó tôi không nhận ra nổi. Tôi thì thào:
– Em ngủ đi ha. Kệ anh. Bữa nay em mệt mỏi rồi, ngủ đi lấy sức mai còn lo cho thằng nhỏ.
Nghe nói tới thằng nhóc, nhỏ im re. Cái đầu dụi khẽ vào gối, giọng nhỏ lí nhí:
– Hay anh nằm luôn đây cũng được. Không có sao đâu mà.
Tôi mỉm cười, xoa đầu con nhỏ:
– Kệ anh đi. Lát anh buồn ngủ anh sẽ nằm ha.
Mặt nhỏ ửng đỏ, không nói gì thêm nữa, rúc đầu vô tấm mền mỏng. Tôi ngồi bó gối bên giường, điếu thuốc cháy đỏ rực trên tay. Tôi không phải thần thánh, không phải chính nhân quân tử, tôi cũng chỉ là một thằng đàn ông hết sức bình thường với đủ mọi thứ ham muốn, nhưng trong lúc này đây trong lòng tôi tuyệt nhiên không có bất kỳ một thứ suy nghĩ đen tối nào hết cả. Nhỏ coi bộ đã ngủ say. Gương mặt buồn bã giờ cũng giãn ra, đôi lông mi cong vút nhắm nghiền. Hình như với nhỏ, sự thanh thản chỉ có ở trong giấc ngủ…
Tôi cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Cái đầu bớt đau hơn, nhưng mí mắt nặng trĩu. Tôi ôm lấy đầu gối, gục đầu xuống mơ màng. Chưa khi nào ngủ ngồi như bữa nay hết trơn hết trọi, nhưng cơn buồn ngủ dường như đã chiến thắng mọi sự chảnh chọe trong tôi. Mọi suy nghĩ nhạt nhòa dần, tôi cũng chìm vào trong giấc ngủ…
Tôi mọi ngày thường ngủ say và ít khi mơ mộng. Nhưng bữa nay xem chừng tôi đang nằm mơ thì phải. Tôi thấy mình đang ở trong phòng làm việc, nhưng không ngồi ở ghế mà lại nằm dài ở trên bàn làm việc. Cái bàn làm việc bữa nay sao vừa mềm vừa ấm tới kì lạ. Con nhỏ Trang chảnh chọe bữa nay mặc đồ ngủ đi làm mới ghê. Nó cũng không ngồi ở ghế mà nằm dài ra kế tôi, có điều còn làm bộ giữ một khoảng cách xa thiệt là xa. Bực bội à nha. Làm bộ hoài. Tôi giơ chân gác lên người con nhỏ, bàn tay sờ lên bầu vú. Mơ có khác, không được giống thật cho lắm. Bầu vú của con nhỏ này bữa nay sao hao hụt đi ghê vậy, bộ nó mới đi hút silicon ra hả? Nhưng mà cảm giác mềm mại, ấm áp là có thật à nha. Tôi bóp nhè nhẹ. Lại còn đàn hồi nữa. Mơ mà cứ như vầy chắc tui mơ hoài luôn. Lại nghe cảm giác hơi ớn lạnh xuất hiện từ phía gáy – sống tới 26 năm trên đời chưa khi nào mơ kì cục như hôm nay hết trơn. Thường thì những thằng cha nào tự hỏi mình đang mơ hay tỉnh, có tới 99% là … thức thiệt rồi.
Cái suy nghĩ đầu tiên đập vô đầu tôi: đây không phải là công sở nha cha nội. Công sở không có giường nệm khi nào hết trơn. Vậy đây là đâu ta? Cái đầu óc lơ mơ bỗng tỉnh rụi khi một suy nghĩ nhói lên trong đầu: Ủa mình đêm qua ngủ lại nhà nhỏ Huyền mà. Cảm giác ớn lạnh bắt đầu xuất hiện khi thấy bàn tay vẫn đang đặt lên một khối tròn có hình dạng bánh dày, phía trên có núm, tính đàn hồi cao. Thôi xong! Đây chính là … cái vú chớ không phải gì hết. Mà trong nhà không có con dơi nào, bởi vậy động vật có vú duy nhất ở đây chỉ có thể là con người. Người trong phòng hiện có 2 con, gồm tôi và con nhỏ. Vậy đây là vú của …. Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Cái tay dâm ô chết tiệt – nó dâm ô chớ không phải tôi nha – từ từ rút về thật chậm.
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Huyền |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện sex cũ |
Phân loại | Truyện cũ mà hay |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 09/10/2015 20:45 (GMT+7) |