Nhưng bên cạnh niềm vui không gì che giấu được, nỗi buồn của tôi chẳng vì thế mà vội vụt mất đi, nó chỉ nhẹ nhàng lui lại một bước, nhường chỗ cho những cảm xúc nhất thời để rồi sẽ lại bật người tung lên tặng tôi một cú đấm móc như cách nó vẫn hay làm với tôi, mọi đêm. Nhưng có hề gì, mưa đến đâu, mát mặt đến đấy, gặp lại Quỳnh, tôi mừng như trẻ con được quà và run lên trong nỗi niềm hạnh phúc không thể gọi thành tên:
– Gần 7 năm rồi, anh nhỉ? – Quỳnh nhìn tôi, cười bẽn lẽn…
– Ừ, nhanh thật, nhớ hồi đó, em đi bất ngờ quá, chẳng nói anh nghe tí gì, khi anh thất thểu chạy về thì em đã lên máy bay đi mất, làm anh buồn suốt cả mấy tháng trời…
Tôi nói, và bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không lấy gì làm vui vẻ khi ấy:
– Hi, có gì đâu mà anh buồn, em về đây rồi nè! – Quỳnh lại cười, cái nụ cười quen thuộc ngày nào vẫn chẳng thể phai mờ trong trí nhớ của tôi…
Chẳng biết mọi người nói gì về hai đứa chúng tôi, tôi vẫn luôn luôn xem Quỳnh là đứa em gái bé nhỏ đáng yêu của tôi. Ngày trước, có một dạo nó cao hơn hẳn tôi, nhưng giờ thì đâu đã lại vào đấy rồi, thế nên, vẫn là cô em bé nhỏ của tôi đúng chứ:
– Em về khi nào?
Tôi xúc động nắm lấy tay Quỳnh, tay nó lạnh ngắt, có lẽ vì tiết trời giữa đêm khuya, và nó thì lại chẳng chịu mặc thêm áo khoác. Chẳng đợi lâu, tôi vội vã cởi chiếc áo khoác dày cộm đang mặc và khoác lên cho Quỳnh khiến nó mỉm cười hạnh phúc:
– Em về được… hơn 2 tuần rồi, không sao đâu, em không lạnh.
– Cứ khoác vào đi, lỡ bệnh rồi sao? Mà về rồi khi nào đi?
Mặc cho Quỳnh của tôi giờ đây đã là một cô nàng trưởng thành, xinh đẹp và quý phái hơn bao giờ hết, nó vẫn phải chịu sự quản thúc của tôi, vì sao ư, vì tôi đã hứa với mẹ nó kia mà:
– Em chưa biết, chắc là em sẽ ở lại lâu, em làm ở đây mà – Quỳnh cười hiền, nó cũng nắm lấy tay tôi an ủi, tôi thấy khóe mắt nó đã hoe đỏ…
– Sao về không báo cho anh biết? Ba mẹ anh cũng nhớ em lắm đó – Tôi hỏi như trách…
Quỳnh khẽ thở hắt ra, nó nhìn xa xăm hồi lâu:
– Em cũng định nói cho anh, nhưng em đang tính để công việc ổn định chút đã rồi mới nói, với lại, em sợ… anh vẫn còn giận em vì hồi đó.
Quỳnh nhắc thì tôi mới nhớ, đúng là ngày đó, tôi giận nó thật. Nó đi định cư nước ngoài với ba mẹ, nhưng nó giấu không nói cho tôi biết, chỉ có ba mẹ tôi là rõ. Đến ngày nó đi, tôi vô tư không nắm được thông tin gì, vẫn cứ thản nhiên đi đá bóng với mấy thằng bạn. Đến lúc nó ra sân bay, nhắn tin chào tạm biệt tôi, thì tôi mới tức tốc chạy ra phi trường, nhưng tất cả đã quá muộn.
Tôi biết Quỳnh không nỡ rời xa tôi, nó cũng không muốn tôi buồn, nên nó giấu, nhưng mà nó chẳng biết, khi nó làm vậy, tôi càng buồn và nhớ nó thêm gấp bội. Suốt mấy tháng sau đó, Quỳnh nhắn tin hỏi thăm, mà tôi chẳng thèm đáp. Bẵng đi một thời gian, tôi cũng quên nó, và nó cũng chẳng buồn nhắn tin tiếp cho tôi luôn, chắc nó ngại, vì tôi đã ngó lơ hàng trăm tin nhắn của nó rồi kia mà:
– Vẫn giận – Tôi vờ làm mặt nghiêm…
Thấy tôi bỗng biến sắc, Quỳnh xị mặt nắm chặt tay tôi, nó thổn thức trong tiếng nấc:
– Anh đừng giận em, em xin lỗi, hồi đó, em chỉ… sợ anh buồn… và em cũng không nỡ nói cho anh biết… em… em xin lỗi…
Quỳnh nói trong cơn xúc động, nó không biết rằng tôi đang đùa, và nó òa lên khóc nức nở, tay vẫn nắm chặt tay tôi. Hình ảnh quen thuộc đó gây cho tôi một cảm giác bồi hồi như ngày nào. Nó lại bất giác hiện về, vào những ngày mà tôi lẫn Quỳnh đều bắt đầu những bước đi đầu tiên trong hành trình trở thành… người lớn:
– Quỳnh ơi, Quỳnh!
Tôi hớt hải chạy sang nhà Quỳnh, ngay trong lúc nó vừa mới về đến nhà sau khi đi chơi với ba mẹ:
– Có chuyện gì vậy anh Phong? – Quỳnh tròn mắt nhìn tôi…
– Lại đây… tao kể mày nghe… phù… phù… cái này! – Tôi thở hồng hộc vì mệt…
– Làm gì mà anh chạy dữ vậy? Anh nói đi!
– Không… phù… không được… chuyện này… bí mật lắm… ra ngoài mới nói được.
Điệu bộ bí ẩn của tôi khiến Quỳnh tò mò, nó vứt cặp lên bàn rồi nhanh chóng ra ngoài sân cùng với tôi. Ngày đó bọn tôi vừa lên cấp 2, Quỳnh và tôi vẫn học chung với nhau, vì lớp ngày đó là lớp chọn, tức là phải thi mới được, mà tôi với nó thì trình độ học tập cũng có thể gọi là ngang ngửa. Quỳnh thông minh hơn nhưng tôi lại chăm chỉ hơn. Và kết quả thì bọn tôi đều được đủ điểm, và lại gắn bó với nhau thêm 4 năm học nữa:
– Có gì vậy, anh nói đi, em đói bụng quá à.
– Mày… từ từ chứ…
Nói đoạn, tôi liếc ngang ngó dọc trước khi mở một tờ giấy vở nhỏ xíu được xé ra từ quyển vở học sinh với những dòng chữ nguệch ngoạc trong đó:
– Gì vậy anh?
– Con Dung lớp mình, nó gửi thư cho tao… nè, mày đọc đi!
Quỳnh đón lấy tờ giấy từ tay tôi, nó tỉ mẩn đọc đi đọc lại, chốc chốc khẽ nhíu mày, rồi quăng trả tờ giấy lại cho tôi:
– Anh đưa em đọc làm gì chứ?
– Thì tao… chưa hiểu nó muốn nói gì, nên tao nhờ diễn giải giúp! – Tôi thành thật…
– Chẳng phải việc của em, anh tự đi mà… hỏi nó!
– Ơ… Quỳnh! Quỳnh ơi!!! Nói cho tao nghe đi!!! Quỳnh!!!
Chẳng nói chẳng rằng, Quỳnh quay lưng bỏ đi, chẳng thèm ngoái đầu lại xem thử cái bộ mặt ngơ ngác ngớ ngẩn của tôi lúc này thế nào nữa. Mà công nhận ngày đó thì tôi cũng… ngố thật, nhỏ Dung chỉ viết mỗi một câu thôi, ấy vậy mà tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi suốt mấy ngày trời, mãi đến khi Quỳnh chủ động ôm eo ếch tôi mỗi buổi chiều ra về, thì tôi mới tờ mờ hiểu được những gì nhỏ Dung viết trong giấy ngày đó, rằng “Phong đừng chở con Quỳnh về nữa, sang chở Dung đi”. Thật tội nghiệp cho nhỏ Dung, nó chẳng biết rằng Quỳnh không đơn thuần chỉ là một người bạn cùng lớp, nó là cô em gái bé nhỏ của tôi, và dẫu cho có bất cứ chuyện gì xảy ra trên cõi đời này đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ luôn luôn yêu thương, bảo vệ nó hết mình, và yên sau xe tôi sẽ luôn luôn là chỗ dành cho Quỳnh, vì tôi đã hứa với mẹ nó rồi mà, hơ hơ.
Những kỷ niệm đáng yêu thuở nhỏ luôn luôn nằm trọn trong tâm trí tôi, chỉ là bất giác nó sẽ trở về một lúc nào đó, và lại khiến tôi mỉm cười khi nhớ về những ngày vẫn còn ngây ngô ấy:
– Anh lại cười rồi! – Quỳnh bĩu môi, nó đã ngưng khóc…
– Anh nhớ chuyện hồi nhỏ, công nhận ngày đó vui ha?
– Hì, hồi đó anh suốt ngày đánh nhau, em toàn phải chạy theo kéo anh về, anh nhớ không?
Tôi gãi đầu cười trừ khi nhớ về những tháng ngày oanh liệt năm nào, lúc tôi bắt đầu dùng những ngón đòn bài bản để đi bắt nạt khắp nơi, làm trùm hết khu xóm này đến ngõ hẻm khác:
– Ờ, hờ hờ, nhớ, tại em đi theo, cứ bám lấy anh nên không biết bao nhiêu lần bị tụi nó đánh trúng đó, xong thì ngồi khóc tu tu, làm tụi nó sợ chạy tán loạn.
– Xí, em giả bộ đó, chứ em chẳng đau! – Quỳnh hếch mũi…
Trong lúc Quỳnh còn chưa kịp chuẩn bị, tôi đã nhanh tay cốc nó một cái đau điếng làm nó ôm đầu nhăn nhó:
– Hức, sao anh lại đánh em?
– Ai bảo tinh tướng.
– Anh nhớ nhé, em méc mẹ em cho xem, vậy mà hứa bảo vệ em!
Quỳnh lại giở trò mè nheo, hệt như ngày nào. Đối với tôi mà nói, dù có lớn đùng đoàng cỡ nào, có bao nhiêu năm tháng dài trôi qua đi chăng nữa, Quỳnh vẫn luôn luôn là cô em gái đáng yêu của tôi, và không có thứ gì có thể thay đổi được điều đó. Tôi thương Quỳnh, và nó cũng rất thương tôi, chỉ có điều là ngày trước, có đôi khi, tôi đã mơ hồ nhận ra được, tình thương của hai đứa tôi dành cho nhau, có một chút khác biệt nho nhỏ.
Trong khi tôi vẫn một mực nghĩ mình sẽ là người anh trai vững chắc, đáng tin cậy để cô em gái bé nhỏ dựa vào, thì Quỳnh, đối với tôi, lại có những suy nghĩ không giống vậy cho lắm. Ngày đó, Quỳnh giấu kín chuyện này, nó không nói cho ai, kể cả tôi. Và tôi ngày đó thì cũng vô tâm quá đỗi, chẳng biết được tình cảm và tâm sự của Quỳnh, nên nhiều lần làm nó buồn, đến giờ nghĩ lại vẫn quả thực rất áy náy:
– Anh Phong, có một đứa lớp bên rủ em đi chơi!
Quỳnh ngồi sau lưng thủ thỉ với tôi khi tôi vẫn tiếp tục công việc quen thuộc mỗi ngày là đưa nó về nhà:
– Ừ, thì sao? – Tôi chưng hửng…
À mà lúc này là khoảng năm lớp 9, lúc này thì tôi đã phát triển vượt bậc hơn nhiều, vì tôi chơi thể thao, tôi tập võ, tôi bơi lội, tôi đá bóng, đủ các loại môn, vậy nên tôi cao hơn Quỳnh rồi, và tôi cũng ngừng gọi nó bằng “mày, tao”, vì nghe chợ búa quá đỗi:
– Em có nên đi chơi với nó không? – Quỳnh giật nhẹ áo tôi…
– Cái đó thì… tùy em, chứ sao anh biết?
– Sao lại tùy em… bộ anh không cảm thấy gì hết hả? – Quỳnh vùng vằng đáp, vẻ giận dỗi…
– Cảm thấy gì là cảm thấy gì, em không thích nó à?
Sự ngốc nghếch của tôi khiến Quỳnh bực bội, nó đánh mạnh vào lưng tôi, muốn bể phổi:
– Ái da, đau quá, sao em đánh anh? – Tôi hét toáng lên vì bất ngờ, chứ cũng chẳng đau lắm…
– Anh trả lời em đi, anh không có cảm giác gì sao? – Quỳnh vẫn gặng hỏi…
– Cảm giác gì là cảm giác gì? Em nói gì anh chẳng hiểu.
– Sao anh… ngốc thế? – Quỳnh nói như mếu…
– Chứ sao?
Tôi hời hợt đáp trả và lại ngẩn tò te hồi lâu khi Quỳnh quyết định nhảy xuống khỏi xe và cuốc bộ về nhà trong suốt đoạn đường sau đó, báo hại tôi phải xuống dắt xe đi cạnh nó, dẫu cho chẳng biết mình vừa phạm lỗi gì và Quỳnh thì cũng câm như hến, không mở miệng ra nói năng gì thêm, chỉ có gương mặt của nó là tối sầm lại đầy… sát khí.
Tối hôm đó, tôi và Quỳnh ai ở nhà nấy, chẳng còn qua học bài chung như bình thường nữa, không phải vì tôi không sang nhà nó như mọi ngày, mà là vì nó không thèm tiếp đón tôi:
– Quỳnh ơi, mở cửa cho anh với!
– …
– Quỳnh ơi, Quỳnh à! Học bài nè!
– …
– Quỳnh…
Tôi còn chưa kịp nói dứt câu, Quỳnh đã bất thình lình xuất hiện trước cửa, mặt nó lộ rõ vẻ giận dỗi, mà chắc chắn một điều là nó giận tôi chứ không phải giận ông hàng xóm, cũng không phải giận cái thằng nhóc dám cả gan mời nó đi chơi. Quỳnh nhăn mặt, nó đóng cửa cái “rầm” khiến tôi giật nảy người và… buồn bã chuồn về nhà, trong lòng ngập tràn những nghi vấn.
Về đến nhà, tôi đem chuyện này kể lại cho chị hai tôi nghe, và chỉ nhận được tiếng thở dài ngao ngán của bà ấy sau khi vỗ nhẹ mấy cái lên trán tôi:
– Sao mày đần thế Phong, gần hết cấp 2 rồi mà có nhiêu đó cũng không hiểu hả?
– Là sao? Chị nói đại đi, úp mở hoài vậy?
– Mày ngu quá đi, là con Quỳnh nó thích mày, nó thông báo cho mày nghe tin đó là để xem biểu hiện của mày, xem mày có ghen tức gì không, hiểu chưa, ngu!
Tôi gãi đầu ngơ ngác, làm sao Quỳnh nó lại đi thích tôi được kia chứ, vì tôi có… thích nó quái đâu:
– Sao nó lại thích em được? Nó là em gái em mà?
Câu hỏi của tôi khiến chị hai tôi nổi đóa, bà ấy ném cái bút vào người tôi rồi đuổi tôi ra khỏi phòng vì quá ngu, mà công nhận hồi đó tôi cũng ngu thật, Quỳnh nó biểu hiện rõ như thế còn không biết:
– Mày cút đi cho tao nhờ, nói chuyện với mấy đứa não bò như mày mất thời gian. Mày coi nó là em gái nhưng nó không coi mày là anh trai, hiểu chưa???
Bà ấy lại đóng cửa phòng cái “rầm”, giống hệt như cách Quỳnh đuổi tôi ban nãy. Nhưng ngay sau đó, tôi vẫn đứng phỗng trước cửa hồi lâu, lòng man mác tự hỏi “Quỳnh không coi mình là anh trai, vậy nó coi mình là cái gì mới được chứ?”
Câu hỏi ngày đó, tôi vẫn chưa bao giờ hỏi Quỳnh, rằng nó thực sự xem tôi là cái gì. Nhưng quả thực thì cũng chẳng cần phải hỏi đích xác làm gì nữa, vì đến bây giờ, khi đã là một thằng Phong 25 tuổi, tôi đủ trải nghiệm và đủ tinh khôn để hiểu ra được rằng, ngày đó, Quỳnh đã luôn luôn xem tôi là một người quan trọng trong cuộc đời của nó rồi, và dĩ nhiên không phải là “anh trai” như cách tôi vẫn nghĩ:
– Mà sao, giờ này… em lại ra quán net?
– Hì, em đang làm việc, mai phải nộp gấp cho sếp, mà nhà em mất điện, nên em đành… chạy ra đây.
Quỳnh cười tươi rói, nó hồ hởi kể tường tận cho tôi. Nhìn mặt Quỳnh lúc này, tôi biết nó đang rất vui:
– Bây giờ, em làm gì hả Quỳnh?
– Em đang làm kỹ sư phần mềm cho FPT Software đó anh, thấy em giỏi không, hì hì?
Lâu lắm rồi, tôi mới lại được thấy nụ cười rạng rỡ này của Quỳnh, được nghe nó khoe về những thành tích mà nó đạt được với tôi bằng giọng điệu hài lòng. Càng ngày, nó càng xinh xắn, càng bộc lộ rõ những ưu điểm được thừa hưởng từ ba nó. Da nó trắng, mũi nó cao, tóc nó bồng bềnh bay phấp phới trong gió, càng khiến nó quyến rũ hơn gấp bội.
Tôi nhớ thật nhiều cái cảm giác đóng vai một ông anh lớn vô cùng tự hào mỗi lần Quỳnh khoe với tôi những thành tích mà nó đạt được. Vì ba mẹ Quỳnh thường xuyên vắng nhà, chỗ dựa tinh thần lớn nhất của nó luôn luôn là tôi. Vậy nên, mỗi lần, Quỳnh có chuyện gì vui, hay đạt điểm cao, nó đều khoe với tôi trước, dù tôi đã biết tỏng từ lâu, và thậm chí điểm tôi còn thấp hơn nó, nhưng vẫn phải giả vờ… chín chắn dành lời khen cho nó:
– Anh Phong, nay Quỳnh được 10 điểm Hóa nè!
– À… ừm… giỏi quá hen?
Tôi xoa đầu Quỳnh, và nó cười tươi như mùa xuân rực rỡ. Nó không hề quên, thằng anh yêu quý của nó chỉ được có 6 điểm, và giờ thì phải đóng vai người anh gương mẫu tự hào về em gái:
– Vậy Quỳnh có được thưởng gì không?
– Tối anh sẽ chở em đi ăn chè, chịu không?
– Chịu, hihi.
Sau nhiều năm lao động cật lực, ba mẹ Quỳnh đã dần dần nâng cao được chất lượng cuộc sống vật chất cho cả gia đình họ. Lẽ dĩ nhiên, Quỳnh, với vai trò là cô công chúa bé nhỏ trong nhà, luôn được ba mẹ nó cưng chiều và tạo điều kiện hết mức có thể. Tuy vậy, trái với những đứa con gái cùng tuổi khác, Quỳnh không bao giờ đua đòi bất cứ thứ gì, nó giản dị và mộc mạc khác hẳn với vẻ bề ngoài của nó.
Quỳnh ít khi nào đi chơi buổi tối, nó cũng không thèm trang điểm, vì vốn dĩ nó đã xinh đẹp sẵn rồi. Đám con gái khi lớn lên, đứa nào đẹp, thì nó cũng sẽ tự biết, chẳng cần ai khen, đặc biệt là những lời khen sáo rỗng từ tụi con trai. Quỳnh càng lớn, nó càng xinh xắn, càng… giống người Việt hơn, và nó biết rõ ưu điểm đó của mình. Với vẻ ngoài trời ban đó, Quỳnh thường xuyên được chọn mặt gửi vàng để đứng trước trường vào mỗi giờ chào cờ để đọc mấy lời hứa hẹn gì đó dành cho học sinh.
Mỗi lần như thế, sau khi đọc xong, Quỳnh đều nhẹ nhàng lướt qua từng dãy học sinh và vuốt nhẹ cho làn tóc bồng bềnh của nó bay phảng phất trong gió khiến tụi con trai chết như ngả rạ. Khỏi phải nói, khi ấy, tôi đâm lo, nhưng không phải vì tôi ghen tức, chỉ là tôi lo lắng cho Quỳnh, rằng nó sẽ gặp phải một thằng… lưu manh, và cuộc đời của nó sẽ khổ.
Thế nên, bất cứ thằng nào tiếp cận Quỳnh, tôi đều sắm vai vệ sĩ để túc trực bên nó cả ngày, ngay cả khi bọn kia đang hí hoáy tặng quà cho nó và nó cũng tươi cười đáp trả. Quỳnh không phải là kiểu con gái nhu mì, nết na, nó chỉ hiền và ngoan với mỗi mình tôi, vì tôi nghĩ rằng tôi là… anh nó. Quỳnh giang tay đón nhận tất cả quà tặng từ bọn con trai, sau đó thứ nào dùng được thì nó dùng, còn ăn được thì nó chia cho tôi ăn chung. Để tránh sự soi mói và nói xấu của đám con trai, nó nhận quà của tất cả, nhưng không hồi đáp một đứa nào.
Sự lạnh lùng và phớt tỉnh của Quỳnh khiến tất thảy đám con trai trong trường tôi lúc đó đổ dồn sự chú ý về phía… tôi, vì tôi là người đưa đón Quỳnh đi học, bất kể mưa gió bão bùng. Tụi nó cam đoan tôi chính là chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình chinh phục Quỳnh của tụi nó, vậy nên, sau mỗi giờ học, tôi đều phải gồng mình cảnh giác để tránh bị bọn nó phục kích.
Nhưng chạy trời thì làm sao khỏi nắng, sau vài lần trốn thoát trót lọt, cuối cùng tôi cũng lộ sơ hở mà bị tóm gọn, tất cả cũng chỉ vì Quỳnh… không chịu chạy trước, mà nó cứ khóc lóc tu tu rồi chạy theo tôi, báo hại tôi bị bọn kia tẩn cho muốn liệt cả tay. May sao với chút công phu được trui rèn, tôi cũng đã nhẹ nhàng… tiễn 4 – 5 thằng trong số đó nhập viện, một vài thằng còn lại thì phúc đức hơn… chỉ bị trật tay sơ sơ, nghỉ học mất… vài tuần. Với lịch sử học đường bá đạo đó của mình, thì ngay khi hết cấp 2, ba mẹ Quỳnh đã quyết định cho nó học trường quốc tế, tránh xa khỏi lũ côn đồ mọi rợ như tụi tôi, dù trường tôi rõ ràng cũng là trường điểm đàng hoàng, nhưng khi so với trường “nhà giàu” của Quỳnh, vẫn gọi là phải e dè một phép, có lẽ ba mẹ nó muốn nó được giáo dục trong môi trường tốt hơn và Tây hơn để chuẩn bị cho công cuộc sang Úc định cư, về điểm này thì tôi hoàn toàn không trách họ.
Quãng thời gian cấp 3 đó cũng chính là lần đầu tiên sau… 10 năm đằng đẵng, tôi và Quỳnh chính thức… đường ai nấy đi. Tôi không còn được đưa đón Quỳnh đến trường nữa, mà nay mẹ nó chở nó đi bằng xe hơi, sang trọng và quý tộc đến không ngờ. Dạo đó, tôi buồn, nhưng tôi buồn không lâu lắm, vì ngay khi lên cấp 3, tôi được làm quen với mấy thằng bạn mới và rất rất nhiều những trò vui mà tụi nó chỉ dạy cho tôi.
Với những điều chưa bao giờ biết tới trong đời, tôi sẵn sàng tham gia mọi cuộc vui bất tận mà tụi nó bày ra, từ chơi game, đá bóng, nhậu nhẹt, tôi đều tham gia đủ cả, và tôi nhanh chóng quên đi nỗi buồn… mất Quỳnh. Nhưng Quỳnh khác tôi, nó là con gái, nó không thể nhậu nhẹt, không thể đá bóng, cũng không thể chơi mọi trò chơi mà nó thích.
Từ nhỏ đến lớn, Quỳnh chỉ chơi thân với tôi, và nó luôn luôn hạnh phúc vì điều đó. Ngay khi biết tin ba mẹ nó tách nó ra khỏi tôi, nó đã khóc mất cả tuần lễ, rồi thì giam mình suốt trong phòng để đấu tranh tư tưởng. Nhưng ba mẹ nó đã quyết, Quỳnh cũng chẳng thay đổi được gì, nó chỉ thấy thương cho tôi, thương cho nó, thương cho những giờ phút mà hai đứa còn như hình với bóng.
Tuy không vô tâm được như tôi, Quỳnh cũng bắt đầu có cho mình những khoảng không gian riêng sau đó không lâu. Nó ngày càng xinh đẹp, kéo theo việc những anh bạn trai của nó xuất hiện cũng ngày càng nhiều thêm. Tôi nhớ, đỉnh điểm nhất phải kể đến năm Quỳnh và tôi học lớp 12, có một bữa mẹ tôi làm bánh, và tôi mang sang cho nó, thì thấy 3 – 4 thằng con trai đang đứng trước cửa, mỗi thằng tay cầm 1 hộp quà và 1 bó hoa to đùng, hỏi ra mới biết hôm đó là Valentine, tụi con trai thi nhau tỏ tình với Quỳnh, nhưng nó phũ hết, không nhận quà đứa nào, nó chỉ lấy bánh của mẹ tôi, làm mấy thằng nhóc mặt chảy dài như cái bơm. Công bằng mà nói thì ngày đó, Quỳnh dù đã có vẻ tiểu thư, đài các hơn, nhưng nó vẫn không bao giờ đối xử tệ với tôi và luôn luôn dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, và tôi biết ơn nó vì điều ấy:
– Rồi anh thì sao, sao giờ anh lại ra đây? – Quỳnh nhìn tôi bằng ánh mắt ngây ngô…
– À… anh hơi khó ngủ, nên ra đây thăm con bé trông quán, nó là bạn anh!
Tôi không nói với Quỳnh những chuyện về Uyển My, vì tôi nghĩ đây chưa phải lúc, mà tôi cũng không chắc là nó có muốn nghe tôi nói hay không nữa:
– Mà Quỳnh nè!
– Sao vậy anh?
– Sao em lại quyết định về đây, anh tưởng em ở luôn bên đó với ba mẹ?
Nó nhìn tôi vài giây, rồi lại quay ngoắt ra nhìn về phía khung cảnh xa xa, thở dài:
– Ba em… có người khác rồi…
Quỳnh thở hắt ra, nó nói bằng giọng lung lay, nghe cứ như sắp khóc đến nơi:
– Anh… xin lỗi… anh không…
Nếu là ngày xưa, Quỳnh sẽ khóc thật to, rồi nó ôm tôi để chờ nhận lấy sự an ủi, nhưng mà giờ thì lại không phải như vậy. Quỳnh vẫn lặng im, cố nén thật sâu những nỗi buồn trong lòng, nó khoan thai kể lại hết tất tần tật những sự việc đã và đang diễn ra với gia đình nó, sau gần 7 năm xa cách, Quỳnh giờ đây đã thực sự trưởng thành, cả trong thể xác lẫn tâm hồn.
Nó kể ba nó về Úc, mở công ty, làm ăn rất phát đạt và ngày càng có nhiều đối tác hơn. Trong một lần tình cờ, Quỳnh phát hiện được ba nó và một nữ đối tác trẻ đẹp đang có những hành động thân mật với nhau. Sau một hồi bí mật điều tra, theo dõi, Quỳnh chắc chắn rằng ba nó đang ngoại tình, và nó chủ động nói việc đó với cả ba và mẹ. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, ba nó hứa hẹn sẽ không tái phạm nữa, nhưng dường như là chẳng phải vậy.
Một vài năm sau, Quỳnh lại tiếp tục phát hiện ba nó dùng ứng dụng ẩn để nhắn tin với một bạn nữ chỉ lớn hơn nó vài tuổi. Tức nước vỡ bờ, Quỳnh bắt mẹ nó ly dị ba, và mẹ nó cũng hoàn toàn cương quyết đồng ý, mặc sự can ngăn của ba nó. Hai mẹ con trở về Việt Nam, chuẩn bị bắt đầu cho một cuộc sống mới, mới nhưng mà lại… rất cũ:
– Tội nghiệp cô, tội nghiệp em, anh xin lỗi vì đã hỏi như vậy…
Tôi nắm lấy tay Quỳnh, vuốt ve mái tóc dài óng ả của nó, cô em gái bé nhỏ ngày nào của tôi giờ đã lớn, nhưng cái sự yêu thương mà tôi dành cho nó vẫn chẳng bao giờ thay đổi. Nếu có ai dám bắt nạt Quỳnh của tôi, tôi hứa sẽ đấm vỡ não thằng đó ra làm trăm mảnh, hứa danh dự:
– Hi, em không sao đâu, em lớn rồi mà…
Quỳnh cố gắng nở một nụ cười thật tươi, nhưng nhìn sao vẫn như mếu, nó nhìn tôi không nói gì, chỉ cười mãi như vậy một lúc lâu:
– Mai em có đi làm không?
– Em có, nhưng mà công việc của em khá đặc biệt, nên không cần đi đúng giờ, miễn xong việc là được – Quỳnh cười hiền…
– Vậy xong việc chưa?
– Em chưa xong, nhưng buồn ngủ quá, nên tính đi về, mai làm tiếp, hì.
– Vậy đi cái gì ra đây?
– Em đi taxi, giờ bắt taxi về nè!
– Taxi gì giờ này, nguy hiểm lắm, để a đưa về, chịu không?
– Chịu, hi.
Tôi chạy vào trong tạm biệt nhỏ Nhi, nhưng nó đã ngủ mất đất từ lúc nào, nên đành nhờ một thằng nhóc đang chơi game đóng cửa nhà xe giúp tôi sau khi đã dắt xe ra ngoài xong xuôi. Giống hệt như Uyển My, Quỳnh không biết chạy xe máy, tôi thậm chí còn chẳng bao giờ thấy nó chạy xe đạp, vì suốt thời đi học, gần như lúc nào nó cũng được người khác đưa đón. 9 năm đầu tiên là tôi, 3 năm cuối cùng là ba mẹ nó. Sau này sang Úc, chắc nó cũng chỉ giỏi lắm lái được oto như Uyển My nhà tôi chứ không có cơ hội đạp xe hay lái xe máy đâu nhỉ:
– Bám chắc anh nhé, không ngã là mẹ mắng anh đấy! – Tôi xoay đầu lại, trêu Quỳnh…
– Không ai dám mắng anh đâu, có em đây rồi!
– Đi hen?
– Dạ.
Quỳnh khác Uyển My ở chỗ, nó luôn luôn nghe lời tôi, và ít khi nào nó dám cãi lời tôi, dù việc đó nó có muốn làm hay không, chỉ cần tôi quyết định, nó gần như sẽ luôn nghe theo. Nhưng bên cạnh đó, giống tiểu thư của tôi, nó cũng chỉ nghe lời… mỗi mình tôi, ngoài ra không có ai có thể khiến nó ngoan ngoãn như vậy cả, riêng việc này khiến tôi cũng có đôi chút… ấm lòng.
Quỳnh vẫn ngồi sau lưng tôi, vẫn ôm eo tôi như ngày nào, nhưng nó đã không còn ôm tôi chặt cứng như hồi xưa nữa, nó ngồi hơi lùi về sau, cách tôi một khoảng được ngăn bởi cái túi xách của nó. Suốt quãng đường đi, Quỳnh và tôi gần như chẳng nói với nhau thêm câu nào, mỗi đứa tự cho phép bản thân mình tận hưởng bầu không khí lạnh lẽo của buổi đêm thành thị và thả hồn mình vào những dòng suy nghĩ bâng quơ không đầu kết. Quỳnh chỉ đâu, tôi chạy đó, không lấy một lời thắc mắc. Sau một hồi vòng vèo, tôi đã đưa Quỳnh về đến nhà an toàn. Nó và mẹ hiện đang thuê tạm một căn nhà trên đường Chu Văn An, cũng không xa nhà tôi là mấy:
– Em… về nhé? – Quỳnh dè dặt hỏi…
– Ừ, lên đi kẻo trúng gió bây giờ!
Quỳnh cười, nó cởi áo khoác trả lại cho tôi:
– Anh mặc đi rồi về, lạnh lắm.
– Anh biết rồi, lên nhà đi, cho anh gửi lời chào cô nhé, cuối tuần rảnh anh sẽ ghé thăm hai người hen?
– Mai anh ghé đi, chắc mẹ cũng nhớ anh lắm, để em nói mẹ nấu cơm!
– Vậy thì…
Trái với suy đoán của tôi, Quỳnh dường như muốn diễn biến cuộc hội ngộ này nhanh chóng hơn một chút, có lẽ nó cảm thấy có lỗi vì ngày xưa đã bỏ đi không lời từ biệt, hơn thế nữa, mẹ nó hẳn cũng nhận ra, việc chia cách Quỳnh với tôi mãi mãi không bao giờ là một ý tưởng hay:
– Đi mà anh! – Quỳnh lúc lắc cánh tay tôi, nài nỉ…
Trước vẻ mặt quá đỗi dễ thương của Quỳnh lúc mè nheo, tôi chẳng còn cách nào khác là đồng ý với lời mời gọi của nó:
– Được rồi, mai anh sang, giờ lên nhà đi, lạnh hết cả tay rồi nè!
Quỳnh cười, nhưng mắt nó đã ngấn lệ. Nó nhìn tôi hồi lâu rồi từ tốn bước về phía cổng, vẫn không quên ngoái đầu nhìn tôi không rời mắt:
– Vào đi, anh về đây, ngủ sớm đi đó!
– Em biết mà, anh đừng lo! Mai anh nhớ qua sớm nhen?
Tôi gật đầu không đáp, chờ Quỳnh đóng cửa đi vào trong, tôi mới an tâm quay đầu trở về, trong lòng bộn bề những dòng suy nghĩ khác lạ. Cuộc đời toi cho đến lúc này, dù trải qua không ít những đau khổ, dằn vặt, thế nhưng bằng một cách nào đó, khi tôi cần một sự cứu rỗi nhất, thì hết người này đến người khác xuất hiện và kéo tôi trở về với thực tại.
Dẫu biết những vấn đề, những nỗi lo vẫn còn hiển hiện trước mắt, thế nhưng sự xuất hiện đúng lúc của họ khiến tôi thật sự cảm nhận được, mình đích thị là một người có số phận may mắn, hệt như những gì ông bà tôi đã tuyên bố sau khi xem bói cho tôi ngày xưa vậy. Uyển My rời đi, có Tuyết Mai cứu vớt, rồi Uyển My lại trở về, rồi lại đi xa tôi hơn, liền tù tì thì Quỳnh tái xuất, giúp tôi ít nhiều vui vẻ trở lại, âu cũng là điều may mắn trong nỗi xui rủi.
Tôi trở về nhà lúc đồng hồ đã điểm gần 4h sáng. Tính tôi thì có một đặc điểm khá thú vị, đó là mặc dù tôi ngủ vào giờ nào, 22h hay 4h sáng, tôi sẽ đều thức dậy vào lúc 6h30, vì đồng hồ sinh học của cơ thể tôi đã mặc định như thế rồi, không thể nào thay đổi nữa. Thật ra lúc tôi về, lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai đi nỗi buồn, nhưng niềm vui len lỏi với sự trở lại của Quỳnh khiến trái tim tôi bỗng… điềm tĩnh trở lại, và lần đầu tiên sau rất nhiều ngày tháng vừa qua, tôi biết được một giấc ngủ ngon thực sự là như thế nào.
Và rồi thì sau rất nhiều ngày dài tháng rộng, tôi đã chính thức phá vỡ kỷ lục… dậy đúng giờ của mình bằng việc tỉnh dậy vào lúc 7h38 phút và cuống cuồng chạy một mạch đến trường, bỏ qua luôn khâu ăn sáng thường niên. Hôm nay ba mẹ tôi đều ra ngoài sớm, vậy nên không có ai gọi tôi dậy đi học cả, vì dì Hạnh cũng đi mất hút từ lúc nào rồi, hic hic.
Buổi học hôm ấy nói chung cũng chẳng có gì đáng nói ngoài việc tôi cứ lơ ngơ ngồi nghĩ ngợi lung tung về Quỳnh. Tôi cảm thấy nó có chút gì đó khang khác, và dường như nó xa lánh tôi nhiều hơn so với ngày xưa, chắc vì nó còn ngại, tôi tự nhủ thầm trong bụng như thế.
Ngay khi tiết học tiếng Anh chiều nay kết thúc, đồng hồ cũng vừa điểm 4h, và tôi phóng xe thật nhanh trở về nhà để tắm rửa thay quần áo, sau đó sẽ đến gặp Quỳnh và mẹ nó như đã hẹn. Phải nói rằng quả nhiên sự có mặt của Quỳnh khiến tâm trạng tôi đã khá lên ít nhiều, bằng chứng là gần như trong suốt buổi sáng cho đến tận bây giờ, tôi đã tạm thời không còn nghĩ về Uyển My quá nhiều nữa.
Thay vào đó, tôi nghĩ về Quỳnh, nghĩ về mẹ nó, nghĩ về những kỷ niệm ngày xưa của hai anh em. Tôi dự định sẽ nói việc này cho ba mẹ tôi nghe, vì ba mẹ tôi cũng rất quý mến Quỳnh, coi nó như em gái của tôi, giống như tôi vậy, nhưng rồi, tôi quyết định sẽ… chưa nói vội, vì tôi muốn cuối tuần này, tôi sẽ đưa Quỳnh sang chơi để tạo bất ngờ cho ba mẹ. Nói gì thì nói, việc nó xuất hiện bất ngờ sẽ tạo ra những cảm xúc hạnh phúc hơn nhiều so với việc thông báo trước về sự xuất hiện đó, giống như cách mà Uyển My đã khiến ngày sinh nhật tồi tệ nhất của tôi biến thành ngày sinh nhật đáng nhớ nhất vậy đó.
Đúng 18h chiều, tôi ăn mặc bảnh bao, chỉnh tề trước khi tót ra phố chọn mua một bó hoa Lily thật to thơm điếc mũi và một giỏ trái cây mang sang cho mẹ Quỳnh. Trên đường đi, tôi hồi hộp và lo lắng không biết liệu mẹ Quỳnh có thực sự nhớ tôi như cách mà nó nói hay không. Có thể bà không biết, nhưng mỗi lần nhìn thấy bà, là tôi lại nhớ đến cái kỷ niệm đáng yêu của gần 20 năm về trước, về cái ngày mà tôi đã tuyên thệ sẽ bảo vệ Quỳnh bé nhỏ của bà đến tận… hơi thở cuối cùng. Dù trong quá trình lớn lên, đã xảy ra ít nhiều biến cố, nhưng tôi vẫn luôn luôn tự hào vì tôi đã làm đủ mọi cách để bảo vệ và che chở cho Quỳnh, để giờ đây nó xinh đẹp và trưởng thành như hôm nay, âu cũng là niềm hạnh phúc to lớn trong đời tôi.
“Kính coong, kính coong”
Tiếng chuông cửa reo vang một cách vội vã và cô em gái bé bỏng của tôi bước ra trong một diện mạo thập phần xinh đẹp mà từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ nghĩ về nó như thế này. Chỉ nhác vừa thấy tôi, Quỳnh đã hớn hở chạy tới, nó cười tít mắt:
– Anh Phong, anh Phong, anh tới rồi hả?
– Ừ, anh đến rồi nè, chạy từ từ kẻo ngã…
– Hihi, anh đến em vui quá.
Quỳnh vẫn lý lắc như ngày xưa, nó chạy vù tới mở cổng, nắm lấy tay tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt chan chứa nỗi niềm:
– Vào nhà đi anh, mẹ em đang chuẩn bị bữa tối!
Hai mẹ con Quỳnh ở trong một căn nhà không lớn, cũng không nhỏ, nhưng lại được trang trí một cách hết sức tỉ mỉ, ấm cúng. Trong không gian được phủ một lớp sơn trắng toát, ánh đèn vàng phản chiếu trên các bức vách khiến căn phòng trở nên sang trọng và ấm áp lạ thường. Mẹ của Quỳnh đang loay hoay chuẩn bị những bước cuối cùng trong công cuộc chuẩn bị món ăn, và bà dường như chẳng nhận ra sự có mặt của tôi, chỉ cho đến khi:
– Mẹ ơi, mẹ xem ai đến nè!
Mẹ Quỳnh quay sang, và bà như chết lặng khi trông thấy tôi. Mắt bà ngấn lệ, và bà tiến tới ôm lấy tôi vào lòng:
– Con… chào cô, con tới thăm cô với em!
– Ôi, Phong ơi, con lớn quá, cô nhận không ra nữa!
Tôi xúc động, nhưng tôi không khóc, còn mẹ của Quỳnh, bà đã rơi lệ từ lúc nào. Bà nhìn tôi, hai tay đặt lên vai tôi như ngày xưa:
– Mấy năm không gặp, Phong đã cao lớn phong độ thế này rồi, bảo sao mà…
Mẹ Quỳnh liếc nhìn nó, khiến nó bất giác đỏ mặt:
– Mẹ này…
Quỳnh giận dỗi dậm chân bình bịch, nó giả lơ qua chuyện khác:
– Con… mang đồ ăn ra bàn đây!
Sau một hồi bất ngờ, tôi cũng nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh. Mẹ của Quỳnh cũng vậy, vốn là một người phụ nữ giỏi giang, độc lập, bà luôn luôn toát ra một vẻ gì đó rất mạnh mẽ, không giống với bất cứ người mẹ nào mà tôi đã từng gặp, kể cả mẹ tôi hay mẹ của Uyển My:
– Cái con bé này, lớn đầu rồi mà cứ như con nít, Phong đừng để bụng nhé!
– Dạ, có gì đâu cô, Quỳnh lúc nào chả thế, em nó không làm vậy, còn lại càng nhớ ấy chứ.
Mẹ Quỳnh nắm lấy tay tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh và tràn đầy tâm sự. Mẹ Quỳnh lấy ba của nó khi còn khá trẻ, nghe nó bảo là lúc đó bà chỉ vừa tốt nghiệp đại học, vậy nên, sau ngần ấy năm, bà vẫn giữ được một nét đẹp cố hữu, nó chỉ chuyển từ xinh đẹp sang quý phái mà thôi:
– Mới ngày nào Phong còn bé xíu như này, dõng dạc hứa với cô sẽ bảo vệ em Quỳnh, vậy mà giờ đã… gần 20 năm rồi nhỉ?
– Dạ, cô vẫn nhớ ạ?
– Nhớ chứ, nếu không có con, chẳng biết con Quỳnh giờ ra sao rồi nữa, nó sẽ chẳng thể có được một tuổi thơ đẹp như vậy, cũng chỉ tại cô…
Nói đoạn, mẹ Quỳnh lại thở dài, và bà nhìn ra xa xăm, có lẽ bà lại nhớ về ba của Quỳnh, về một câu chuyện tình buồn đã khiến bà đánh đổi gần nửa cuộc đời, ấy vậy mà kết cục lại chẳng đâu vào đâu. Nhưng dứt khoát sớm cũng là một điều may mắn, vì khi một người đàn ông đã có tư tưởng ngoại tình, thì dù sớm hay muộn, lâu hay mau, tôi nghĩ rằng việc làm sai trái đó sẽ tiếp tục diễn ra, dù muốn dù không. Từ bỏ một người đàn ông tồi tệ, sống một cuộc sống mới, há chẳng phải là tốt hơn hay sao:
– Thôi, chuyện cũ mình bỏ qua, tương lai mới quan trọng cô ạ. Từ giờ về sau, có con với Quỳnh ở đây rồi, có chuyện gì không vui cô cứ nói với con, con sẽ cố gắng hết sức.
Bà nhìn tôi cười hiền, cái nụ cười tươi tắn đã toàn quyền phân phối dành cho Quỳnh:
– Ừ, cô cảm ơn Phong nhiều, hai đứa vui vẻ là cô mừng lắm rồi. Thôi vào ăn cơm đi nhỉ?
Buổi tối hôm đó diễn ra trong không khí đầm ấm, thân mật và vui vẻ tột cùng. Đã lâu, lâu lắm rồi, tôi mới có lại được cái cảm giác hạnh phúc gia đình nhiều như thế này. Trong khoảnh khắc, tôi dường như quên khuấy đi mất việc của tôi vẫn còn đang ngổn ngang và dang dở biết chừng nào, nhưng tạm thời nó sẽ bị xa lánh một bên, vì Quỳnh đã trở về, và giang tay xua đuổi nó, thật xa, thật xa.
Chúng tôi cứ kể đi kể lại về những kỷ niệm xưa cũ, về những lần tôi đã nổi máu anh hùng bảo vệ Quỳnh ra sao. Mẹ Quỳnh vui lắm, bà cười suốt buổi, và tôi cũng thế, chỉ có Quỳnh là chốc chốc lại nổi giận, lại vùng vằng dậm chân bình bịch, nhưng tôi biết là nó cũng đang hạnh phúc dữ dội, vì tôi hiểu Quỳnh quá mà.
Mọi chuyện cứ thế diễn ra một cách bình thường và thân thương như thế, nếu như mẹ của Quỳnh, không bất ngờ nói ra câu nói… đầy ẩn ý đó:
– Hai đứa cũng lớn cả rồi. Phong có dự tính gì chưa con, Quỳnh nó cũng đang rảnh đấy!
Dĩ nhiên thì sau câu nói đó, tôi ấp úng không nói nên lời, còn Quỳnh thì đỏ mặt tía tai không dám ngẩng đầu lên gắp thức ăn nữa. Tôi biết mẹ Quỳnh nghĩ gì, nhưng điều đó thực sự không đúng về trường hợp của hai đứa tụi tôi. Quỳnh có thể có cảm tình đặc biệt với tôi, nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ tôi không chắc. Nhưng riêng đối với tôi, Quỳnh sẽ mãi mãi là cô em gái bé nhỏ đáng yêu của tôi, và tôi sẽ mãi mãi yêu thương và bảo vệ nó như những gì tôi đã làm từ rất rất lâu về trước. Nhưng ngoài chuyện đó ra, tôi và Quỳnh sẽ chẳng bao giờ có kết quả nào khác.
Khi nói ra câu nói đó, mẹ Quỳnh dường như chẳng suy nghĩ gì nhiều, bà chỉ thuận miệng nói ra trong vô thức mà thôi. Nhưng bà không biết rằng, cũng chính vì câu nói đó, chính vì những tác động của bà đối với Quỳnh đã giúp tôi sớm phát hiện được một sự thật kinh hoàng và Uyển My mà tôi chưa bao giờ dám mảy may nghĩ tới. Và sự thật bất ngờ đó cũng đã kéo theo rất nhiều hệ lụy cũng như diễn biến về sau, mà theo đó, tôi cũng đã gần như khám phá ra được toàn bộ sự thật, một sự thật mà chắc có nằm mơ, tôi cũng không có gan mơ thấy.
Buổi sáng hôm đó…
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | Mưa và em |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện sex dài tập |
Phân loại | Truyện teen |
Tình trạng | Update Phần 113 |
Ngày cập nhật | 08/01/2025 05:35 (GMT+7) |