Nhưng trong quá trình nghiên cứu về Quan Sơn thái bảo, từ những lời đồn đại trong nhân gian và ghi chép trong sách sử, lão đã tìm hiểu được rất nhiều bí mật về hoạt động trộm mộ thời cổ đại, biết được từ xưa trên đời đã không có người bất tử, cũng không có mộ nào là không thể đào, chỉ cần là mộ cổ thì sớm muộn cũng có ngày bị quật lên. Thuật trộm mộ không nằm ngoài tứ quyết “vọng, văn, vấn, thiết”.
“Vọng” là quan sát hình thế phong thuỷ, trên xem thiên văn dưới dò địa mạch để xác định vị trí và bố cục của mộ cổ, quyết này yêu cầu phải hiểu rõ mạch đập của dãy núi dòng sông cùng nhật nguyệt tinh tú, thực vô cùng sâu xa huyền diệu, những tay trộm mộ thông thường không thể nắm được; ngoài cách xem mộ này, còn có thể thông qua quan sát sự khác thường của mặt đất, thổ nhưỡng và cây cỏ để tìm huyệt mộ, gọi là “nhìn vết bùn phân sắc cỏ”.
“Văn” cũng chia hai cách: nghe và ngửi, có những người được trời phú cho khứu giác vô cùng tinh nhạy, có thể dùng mũi phân biệt các mùi vị đặc thù nơi núi cao rừng sâu; lại có người thính giác nhạy bén, luyện đến trình độ “gà báo sáng, chó canh đêm”, có thể lắng nghe mọi âm thanh của thế giới tự nhiên, đoán được tình hình dưới lòng đất, nếu thính giác bình thường cũng có thể nhờ vào công cụ trợ giúp, ví như “Ung thính pháp” chôn hũ xuống đất dùng tai nghe ngóng mộ huyệt.
“Vấn” tức thông qua “hỏi thăm” cư dân bản địa, tìm hiểu thông tin và vị trí mộ cổ từ một góc độ khác, may mắn có thể đạt được kết quả không ngờ; ngoài ra còn có một cách tương đối thần bí, đó là hỏi trời, nghe nói dân trộm mộ thời cổ có thể thông qua gieo quẻ để suy đoán, xác định kết cấu mộ cổ cũng như hung cát trong mộ, nhưng thuật này đã tuyệt tích từ lâu, đến nay không còn ai thông hiểu.
Cuối cùng là “thiết”, chủ yếu là các phương pháp đào mồ quật mả của dân trộm mộ, như làm thế nào lợi dụng sơ hở, dùng các loại công cụ đào bới huyệt động, bao gồm Phân kim định huyệt, đào thẳng xuống địa cung, rồi xẻ núi rẽ trời bằng cuốc to xẻng lớn, lại cả dùng tê tê Huyệt Lăng đào hầm thông mộ.
Giáo sư Tôn biết thì nhiều vậy, chứ “vọng, văn, vấn, thiết” vốn là tuyệt học đổ đấu lưu truyền đã mấy ngàn năm, dù có thể nghe ngóng trong dân gian, nhưng không được truyền thụ thực sự thì không có cách nào nắm được, huống hồ đa phần những cổ thuật trộm mộ này đều đã thất truyền từ lâu.
Thông thường đến nước này cũng đủ để nản lòng rồi, nhưng Tôn Học Vũ tính tình bảo thủ, đã tâm niệm việc gì thì hết sức cố chấp, lão chưa đến Hoàng Hà chưa nản chí, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ, vẫn muốn đi tìm Địa Tiên đến mức quên ăn quên ngủ, đêm ngày vọng tưởng tới quẻ bói thiên cơ giấu trong Toàn Cơ lâu.
Ông trời có lẽ không phụ người có tâm, Tôn Học Vũ trong một lần sắp xếp lại hiện vật cổ tịch vô tình biết được một bí sử. Vào thời Chu Mục vương từng có một chiếc đỉnh cổ được đúc từ long khí Nam Hải, trên đỉnh có tấm gương cổ và bốn quẻ phù, chiếc đỉnh đến từ Quy Khư được làm bằng chất liệu đồng xanh hiếm có, do hải khí ngưng tụ trong đỉnh đồng nên đồng tính vẫn nguyên vẹn sau cả ngàn năm, niên đại càng lâu thì sắc đồng xanh lục càng sậm.
Gương cổ và quẻ phù khảm trên đỉnh đồng đều là tinh tuý của thuật soi đuốc diễn quẻ thời Tây Chu, có thể lợi dụng hải khí tích tụ trong đồng xanh mà suy diễn tượng mai táng. Người xưa mê tín tin vào hình thế lý khí trong phong thuỷ, trong đó quan trọng nhất chính là “khí”, còn gọi là “sinh khí” trong long mạch, những dị tượng ảo ảnh giữa biển khơi đa số đều do hải khí biến đổi mà thành. Hải khí trong Quy Khư tức là “long khí trong long mạch”. Bất cứ mảnh nhỏ nào trên chiếc đỉnh cổ Quy Khư cũng có thể biến một huyệt mộ vô cùng bình thường thành nơi có phong thuỷ quý sinh khí ngưng kết, còn gương cổ trên đỉnh đồng lại có thể dùng để suy đoán vị trí mộ cổ.
Lúc đầu giáo sư Tôn hoàn toàn không tin cổ đỉnh Quy Khư có thật, nhưng qua thời gian dài khảo chứng, lão mới biết chuyện này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đỉnh đồng từng là vật bồi táng chôn cùng Chu Mục Vương, về sau khi lăng tẩm Chu Mục Vương bị khai quật, chiếc đỉnh đồng được phát hiện đã bị sét đánh vỡ, tấm gương và bốn tấm cổ phù lần lượt bị người ta lấy mất, từ đó thất lạc bốn phương.
Truyền thuyết dân trộm mộ gieo quẻ hỏi trời tìm cổ mộ đại táng trong lịch sử rất có thể bắt nguồn từ chiếc đỉnh cổ Quy Khư. Nghe nói gương cổ Quy Khư vô cùng phức tạp thâm ảo, thông qua chỉ dẫn của quẻ phù, có thể dựa vào biến hoá tụ tán của sinh khí xung quanh mà hiện lên các quẻ tượng khác nhau. Giáo sư Tôn biết quẻ phù Chu Thiên tổng cộng có mười sáu quẻ, trên chiếc đỉnh cổ chỉ có bốn quẻ long, quỷ, nhân, ngư, chuyên dùng để quan sát huyệt khí âm dương, dùng nó để phá giải quẻ tượng Long Cốt Tây Chu tuy là việc không thực tế lắm, nhưng đây là điểm đột phá quan trọng, dựa vào kinh nghiệm tích luỹ của lão trong mấy chục năm chuyên tâm nghiên cứu mật văn phù hiệu cổ đại, ít nhất cũng có vài phần tự tin sẽ đọc được quẻ tượng hiện ra trên bốn quẻ này, chỉ cần có trong tay chiếc gương đồng huyền cơ vô song kia là có tia hy vọng tìm ra thành Địa Tiên.
Nhưng đến tận giờ, những giả tưởng ấy vẫn chỉ là một toà lâu trống rỗng trong đầu giáo sư Tôn. Sau khi cổ đỉnh Quy Khư nứt vỡ, đỉnh đồng liền bị nấu chảy để đúc thành lò đơn, gương cổ và quẻ phù thất lạc từ đó, chúng đều là những mật khí phong thuỷ trong mắt người xưa, có trời mới biết đã bị tay mộ chủ có con mắt tinh đời nào đó mang theo xuống suối vàng rồi. Giáo sư Tôn không tiền không thế, chỉ dựa vào mỗi sức lực, muốn tập hợp chúng lại xem chừng quá khó.
Nhưng cổ nhân có câu ý trời khó lường, cơ duyên vừa vặn, lão quả thực đã đợi được đến lúc cơ hội tới. Cách đây hai năm, giáo sư Tôn đi công tác ở Nội Mông, ở nhờ nhà một người chăn gia súc, được nghe kể một câu chuyện vô cùng kỳ lạ, khi ấy thảo nguyên Nội Mông đã bị sa mạc hoá nghiêm trọng, nhưng có một nơi cỏ xanh vẫn tốt tươi, nhìn xa như một bãi cỏ xanh ngắt, diện tích không lớn lắm, ước khoảng vài chục mét vuông.
Trong bãi cỏ này có nhiều chồn hôi ẩn náu, thành đàn thành lũ cứ chui ra chui vào, thần thái hết sức quỷ quái. Trước đây mục dân bản địa rất ít khi nhìn thấy chồn hôi nên cho rằng đây là điềm gở, bảo nhau dắt chó và súng săn đi giết sạch bọn chúng. Chó săn trên thảo nguyên giỏi nhất là bắt chuột đồng nên bắt chồn hôi cũng chẳng có gì khó, không tới một ngày đã cắn chết hơn trăm con chồn hôi lớn nhỏ, xác chồn la liệt mặt đất.
Sau khi giết hết chồn hôi, mục dân bắt đầu lột da chồn, châm lửa đốt bãi cỏ xanh, có người trong số họ nhìn thấy một vật hình rồng bằng đồng xanh trong hang đất giữa bãi cỏ, trông chẳng có vẻ gì đáng tiền, cũng không biết đó là cổ vật nên tiện tay treo lên vật cưỡi làm đồ trang trí, định mấy ngày nữa tới chợ phiên của người Bát Kỳ, sẽ mang đến trạm cung tiêu đổi lấy ít thuốc lá.
Giáo sư tôn nghe được tin này bèn chẳng nói chẳng rằng ngay trong đêm đến trạm cung tiêu mua một cây thuốc lá, đem đổi cho người nhặt được long phù không mắt, chẳng tốn mấy công đã lấy được quẻ phù thứ nhất rồi âm thầm giấu nhẹm, thực đúng mèo mù vớ cá rán.
Sau đó giáo sư Tôn càng chú tâm hơn đến gương cổ và quẻ phù, nhưng mãi vẫn không tìm được tăm tích gì về những cái còn lại, cách đây không lâu mới có được một chút manh mối. Thì ra gương cổ vào cuối đời Thanh đã lưu lạc ra tận nước ngoài, trong một chuyến buôn lậu đã cùng tàm chìm xuống đáy biển. Tôn Học Vũ biết ông bạn cũ của mình là giáo sư Trần có nhiều mối quan hệ ngoại bang liền bịa chuyện, nói với giáo sư Trần rằng Tần Vương Chiếu Cốt kính chìm dưới đáy biển đó là một trong số Tần Vương bát kính, là Quốc bảo có giá trị liên thành, nhờ giáo sư Trần nghĩ cách tìm người trục vớt.
Mặt sau chiếc gương cổ chi chít những hình vẽ phù hiệu, vô cùng tinh xảo phức tạp, người sưu tầm sợ bị mài mòn, vả lại muốn cho hải khí ngưng tụ trong kính đồng được lâu nên dùng xi gắn lại. Giáo sư Tôn sớm biết việc này nên gạt giáo sư Trần rằng: “Bởi là Chiếu Cốt kính trấn thi đã ngàn năm nên âm khí bên trong vẫn còn, người sống không được soi vào.”
Con thuyền mang theo tấm gương cổ chìm giữa biển cả mênh mông, không dễ gì trục vớt, Tôn Học Vũ cũng biết vậy nên tuy lợi dụng quan hệ của giáo sư Trần để vớt quẻ phù Quy Khư, nhưng vẫn tâm niệm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, không hy vọng lắm, nào ngờ rốt cuộc chiếc gương cổ cũng được mang về nguyên vẹn từ Nam Hải, thực là niềm vui bất ngờ. Sau khi có nó trong tay lão không hề giao nộp cấp trên mà bí mật cất giấu trong nhà, âm thầm phân tích quẻ phù sau mặt kính. Giáo sư Trần ở Mỹ chữa bệnh một thời gian dài nên lỡ nhiều công việc, sau khi về nước lại bận rộn không dứt ra được, ông hết lòng tin tưởng bạn cũ, cam tâm tình nguyện nhường hết công lao tìm ra Quốc bảo cho Tôn Học Vũ, trước sau không hề truy hỏi lão đã hiến tặng Quốc bảo hay chưa, càng không thể biết chiếc gương cổ Nam Hải đó cơ bản không phải là Tần Vương Chiếu Cốt kính gì cả.
Đồng ngư trong bốn quẻ phù cổ có lai lịch mấy ngàn năm, vẫn khảm trên chiếc gương cổ chưa từng rơi ra, Tôn Học Vũ có nằm mơ cũng không dám nghĩ hai quẻ phù với một chiếc gương đã nằm trong tay mình, xem ra mình không làm thì thôi, đã làm cũng ra tấm ra món. Nay chỉ còn thiếu hai đồng phù một nhân một quỷ, tập hợp được những thứ này lại là có thể tới Tứ Xuyên khai quật mộ cổ Quan Sơn được rồi, bí mật quẻ số Chu Thiên dường như đã gần trong gang tấc.
Giáo sư Tôn gần đây mới biết được, trước giải phóng đã có người mua được một lô cổ vật từ tay bọn trộm mộ Hồ Nam, truyền tay trong dân gian nhiều năm, may vẫn chưa thất lạc vật nào, cách đây không lâu được kiều bào yêu nước hiến tặng cho Quốc gia, hiện nay còn đang triển lãm lưu động khắp nơi trên toàn quốc, trong đó có cả chiếc lò đồng được đúc từ cổ đỉnh Quy Khư và hai quẻ phù bằng đồng xanh khác, hơn nữa quá trình đỉnh cổ được đào lên từ lăng tẩm Chu Mục vương và hình dáng nguyên bản của thân đỉnh, nhất nhất đều đúc thành hình ghi lại trên thân lò.
Giáo sư Tôn khi ấy vừa về tới Bắc Kinh, thấy lô cổ vật đang được triển lãm ở Thiên Tân thì cầm lòng không đậu. Lão vốn tính khí kỳ quặc nên đến nghỉ phép cũng chẳng thèm xin, vội đến thẳng bảo tàng xem rõ đầu đuôi. Nhưng trong phòng triển lãm khoảng cách quá xa nhìn không đã, vả lại cũng không muốn ai biết mình bao năm nay vẫn miệt mài nghiên cứu cổ đỉnh Quy Khư, nên lão không thể tiếp cận với chiếc lò qua con đường chính thống, không làm thì thôi đã làm phải tới cùng, giữa đêm khuya lão lẻn vào bảo tàng, ghi chép lại tất cả những văn tự và hình vẽ khắc trên lò đơn, hy vọng từ đó có thể tìm ra phương pháp sử dụng gương cổ và quẻ phù.
Mấy trang cuối trong cuốn sổ ghi chép đều là chữ khắc và hình vẽ trên lò đơn, nhưng chỉ có một nửa, cuốn sổ này ngoài ghi chép những bí mật của giáo sư Tôn thì chẳng có nội dung gì khác.
Chắc lúc bị tôi phát hiện, giáo sư Tôn sợ thân phận bại lộ nên vội vàng rời khỏi bảo tàng, trong lúc cuống quýt liền đánh rơi cuốn sổ quan trọng nhất tại hiện trường.
Tôi xem xong bèn gập cuốn sổ lại, khinh khỉnh hừ một tiếng: “Lão già này bình sinh ra vẻ đàng hoàng đạo mạo mà kỳ thực giấu mặt còn kỹ hơn Quan Sơn thái bảo, tiên sư, đúng là gian ngoan xảo quyệt, dám mang ông Nhất đây ra làm bia đỡ đạn. Cả đời tôi chưa bị ai giở trò thế này đâu, giơ đầu chịu báng, vào sinh ra tử nơi đầu sóng ngọn gió mấy bận, suýt nữa thì mất mạng ở Nam Hải, nếu hôm nay không xem cuốn sổ này thì đến giờ vẫn bị lão nhốt trong hũ tối, như thằng đần cứ tưởng mình vì nước lập công. Chó má, giấu tiếng sao giấu được mùi, âm mưu quỷ kế muốn lấy tay che trời của lão cuối cùng đã bại lộ, tôi đã nhìn rõ chân tướng, nhất định sẽ bắt lão đền tội đến cùng.”
Shirley Dương lại lắc đầu nói: “Anh đừng nóng nảy thế, tôi thấy việc này không đơn giản vậy đâu, e là vẫn còn ẩn tình chưa biết.”
Thông tin truyện | |
---|---|
Tên truyện | [Truyện Tết] Ma thổi đèn - Quyển 7 |
Tác giả | Chưa xác định |
Thể loại | Truyện nonSEX |
Phân loại | Truyện chưa được phân loại |
Tình trạng | Chưa xác định |
Ngày cập nhật | 26/01/2017 04:15 (GMT+7) |